Lợi nhuận tăng nhưng dòng tiền âm, nợ vay tăng mạnh
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Nafoods cho thấy, năm qua, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 1.041,9 tỷ đồng, tăng 73,6% so với thực hiện 2018.
Doanh thu tăng trưởng mạnh, nhưng đổi lại, các chi phí cũng tăng rất nhanh. Cụ thể, chi phí bán hàng lên đến 110,4 tỷ đồng, gấp 2,36 lần năm 2018.
Chi phí tài chính tăng hơn 2 lần, đạt 41,2 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí lãi vay và chi phí lỗ tỷ giá khi Nafoods tăng cường vay nợ ngắn hạn. Chi phí quản lý cũng tăng 14%, đạt 37,4 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm đạt 47,9 tỷ đồng, tăng 18,6% so với 2018, thấp hơn đà tăng trưởng doanh thu và chỉ thực hiện 94,8% kế hoạch.
Lợi nhuận năm 2019 của Nafoods vẫn tăng, nhưng vẫn thấp hơn kết quả của giai đoạn 2015 - 2017. Thêm vào đó, bức tranh tài chính, dòng tiền của Công ty cũng còn nhiều điểm khiến nhà đầu tư chú ý.
Cụ thể, trong năm 2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 289,4 tỷ đồng, chủ yếu do giá trị khoản phải thu và tồn kho tăng mạnh. Tính đến 31/12/2019, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn đạt 624,9 tỷ đồng, chiếm 49,1% trong cơ cấu tài sản. Trong đó, phải thu từ khách hàng đạt 397,5 tỷ đồng, tăng 45,8% so với cuối 2018.
Lượng dự trữ tiền mặt hầu như không đáng kể nên Công ty phải đẩy mạnh vay nợ và làm tăng chi phí lãi vay tăng. Trong năm 2019, giá trị vay nợ tăng thêm 124,8 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn. Tổng nợ vay đến cuối năm đạt 459 tỷ đồng, chiếm 36,1% nguồn vốn.
Tại báo cáo tài chính quý I/2020, dù doanh thu đạt 290 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16,2 tỷ đồng, tăng 37,8% về doanh thu và tăng 3 lần về lợi nhuận so với cùng kỳ 2018 nhưng dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm; các khoản phải thu, tồn kho và nợ vay tiếp tục gia tăng.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về những điểm hạn chế trên, đặc biệt là về những e ngại của nhiều cổ đông rằng hàng tồn kho cao hàm chứa rủi ro giảm giá trị lớn, nhất là với mặt hàng hoa quả, đại diện Công ty cho biết, Nafoods là doanh nghiệp nông nghiệp, có tính đặc thù và mùa vụ của sản phẩm kinh doanh.
Việc mất mùa, khó lường của nguyên liệu đầu vào khiến có những thời điểm doanh nghiệp phải phụ thuộc vào dòng vốn ngắn hạn để gián tiếp hỗ trợ các hộ nông dân, đối tác cung cấp.
Tình hình kinh doanh có phần khó khăn hơn khi dịch bệnh Covid-19 khiến dòng tiền về từ khách hàng không ổn định.
Để cải thiện tình hình này, Nafoods chủ trương cấu trúc lại nguồn vốn, hướng tới các khoản huy động vốn trung - dài hạn như các khoản vay trung dài hạn (Finnfund…) và vốn cổ phần (IFC, Endurance…). Năm 2020, Công ty đặt mục tiêu tăng cường 10 triệu USD vốn vay dài hạn (trên 5 năm).
Hàng tồn kho lớn, theo Nafoods, cũng không phải là vấn đề đáng ngại. Trong những tháng đầu năm 2020, nhu cầu đặt hàng của các khách hàng lớn vẫn ổn định và có xu hướng tăng do dịch bệnh kéo dài khiến nhu cầu bổ sung vitamin, nâng cao sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe tăng cao. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào trong nước đang giảm sâu do ảnh hưởng của dịch.
“Nếu có nguồn lực để thu mua nguyên liệu thời điểm giá giảm sâu, doanh nghiệp có thể thu lãi 50 - 70 tỷ đồng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods giãi bày với các cổ đông tại Đại hội.
Phân phối lợi nhuận: Cổ đông chịu hy sinh quyền lợi?
Dù đã thu về 48,8 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2019, nhưng do phải bù đắp khoản lỗ lũy kế 27,1 tỷ đồng nên con số lợi nhuận thặng dư Công ty có thể phân phối đến cuối năm chỉ 20,7 tỷ đồng.
Với con số này, Hội đồng quản trị Nafoods đã trình Đại hội đồng cổ đông phương án trích 20% vào quỹ đầu tư phát triển, 5% vào quỹ khen thưởng, phúc lợi và 75% phần lợi nhuận còn lại để phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP).
Theo đó, Công ty sẽ phát hành 2,22 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 4,99% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tờ trình đã được cổ đông đại diện 99,92% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự Đại hội thông qua.
Trình bày trước cổ đông, đại điện của Nafoods cho rằng, việc phát hành cổ phiếu ESOP khiến cán bộ công nhân viên có động lực làm việc, tăng tính cam kết, đồng hành và gắn bó với sự phát triển của Công ty, qua đó giúp tăng giá trị tài sản của cổ đông.
Mặt khác, Công ty có thể hạn chế lượng tiền mặt phải chi ra cho các chương trình phúc lợi, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, dịch bệnh.
Dù vậy, phương án phát hành vẫn không khỏi khiến một bộ phận nhà đầu tư băn khoăn.
Bởi lẽ, thông thường, bên cạnh trích quỹ đầu tư phát triển và khen thưởng phúc lợi, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, việc phân phối lợi nhuận (nếu có) cũng sẽ ưu tiên trả cổ tức cho cổ đông.
Với Nafoods, khoản thưởng qua ESOP đến 75% lợi nhuận có thể phân phối là khá lớn và khiến các cổ đông chịu bất lợi khi một mặt không được phân phối lợi nhuận, mặt khác còn chịu hiệu ứng pha loãng cổ phiếu.
Cũng chưa rõ cổ đông IFC có chia sẻ quan điểm với Hội đồng quản trị Nafoods, bởi phương án ESOP nằm ngoài cam kết với tổ chức này.
Cụ thể, trong năm 2019, Nafoods đã phát hành cổ phần ưu đãi có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông cho IFC với nhiều điều kiện; trong đó, Nafoods sẽ bị giới hạn phát hành ESOP dưới 3% lượng cổ phiếu lưu hành nếu tỷ lệ tăng trưởng kép của lợi nhuận sau thuế dưới 25% trong giai đoạn 2018 - 2022.
Lợi nhuận sau thuế 2019 của Nafoods chỉ tăng 18,6% so với 2018 nhưng Công ty lại phát hành ESOP với tỷ lệ gần 5%.
Cơ hội và thách thức trong 2020
Bước sang năm 2020, diễn biến bất thường của dịch bệnh được đánh giá đã và đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và Nafoods nói riêng, nhất là khi xuất khẩu đang là nguồn đóng góp tới 87% doanh thu và 69% lợi nhuận gộp của Công ty trong năm 2019.
Tại Đại hội cổ đông, Ban lãnh đạo Nafoods đã chia sẻ những khó khăn như dịch bệnh ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của Công ty từ xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa khiến chi phí bị đẩy lên cao, làm chậm trễ việc ký kết đơn hàng, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cũng bị hạn chế lại…
Tuy vậy, lãnh đạo Nafoods vẫn khá tự tin khi trình cổ đông thông qua mục tiêu doanh thu 1.350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 66 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 26% và 38% so với năm 2019.
Một số phương án khắc phục khó khăn đã được nêu ra như dự kiến phát triển khách hàng cho thị trường Mỹ và Trung Quốc, tối đa hóa sản lượng chanh leo cô đặc và dịch chanh leo có hạt, ký kết hợp đồng hợp tác với các nông trại lớn với diện tích hơn 500 ha và ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp chính cho dịch chanh leo… để tận dụng và đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu với giá rẻ.
Ông Hùng lấy ví dụ, đợt dịch Covid-19 đã khiến giá thanh long chỉ còn 3.000 - 3.500 đồng/kg. Vào thời điểm ấy, nếu Nafoods có tiền thì trong thời gian 3 tháng có thể có khoản lợi nhuận từ 50 - 70 tỷ đồng.
Tuy vậy, việc cải thiện vòng quay vốn lưu động, cân đối tài chính, dòng tiền vẫn được đánh giá là điểm quan trọng để giúp Công ty có thể tận dụng được những cơ hội từ thị trường mang lại.
Cuối tháng 3/2020, Nafoods đã công bố ký kết thoả thuận hợp tác tài chính dưới hình thức khoản vay dài hạn có tài sản đảm bảo trị giá 5 triệu USD trong vòng 6 năm với Quỹ Hợp tác Công nghiệp Phần Lan (Finnfund). Khoản tiền dự kiến dùng để đầu tư vào hệ thống dây chuyền sản xuất các sản phẩm nông nghiệp giá trị gia tăng tại nhà máy đặt ở tỉnh Long An.
Dù đây là tín hiệu tích cực cho thấy nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào triển vọng dài hạn của Nafoods, nhưng trong ngắn hạn, Công ty tiếp tục chịu áp lực chi phí tài chính (lãi vay, tỷ giá) bên cạnh những áp lực thanh khoản theo cam kết với hai tổ chức quốc tế (khi thanh khoản cổ phiếu còn thấp).
Phía Nafoods cũng kỳ vọng điều này sẽ được cải thiện trong thời gian tới khi kết quả kinh doanh tăng trưởng, giảm tâm lý e ngại của nhiều nhà đầu tư với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp luôn phải ứng phó với nhiều rủi ro.