Cụ thể, trong quý II vừa qua, doanh thu thuần của NAF tăng 41% lên 489,3 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng ghi nhận tăng 46% lên 403,4 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận gộp đạt 85,9 tỷ đồng, tăng 21%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính cũng tăng 252% lên 7,25 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí tài chính giảm 24% về mước 11,3 tỷ đồng. Chi phí bán hàng kỳ này tăng mạnh 126%, song chi phí quản lý doanh nghiệp lại tiết giảm được 46%, dẫn tới lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 32,3 tỷ đồng, tăng 38%.
Khép lại quý II, Nafoods ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 34%, đạt 28,46 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ mang về 28,41 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà Nafoods đạt được kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Công ty cho biết, kết quả này đến từ việc tiết giảm tối đa chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong năm 2021, Công ty đã áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh nên rút gọn được nhiều công đoạn hơn so với trước đây.
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của NAF tăng 25% từ 635,1 tỷ đồng lên 793,2 tỷ đồng, theo đó, lợi nhuận ròng cũng tăng 7% lên 40,1 tỷ đồng.
Năm 2021, Nafoods đặt mục tiêu kinh doanh với 1.500 tỷ đồng doanh thu và 76 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23% và 24% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, sau nửa đầu năm, NAF đã hoàn thành đồng loạt 53% cho cả hai chỉ tiêu của năm.
Tại thời điểm ngày 30/6/2021, quy mô tài sản của Nafoods xích 5% lên 1.603,7 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 6% lên 792,4 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 32% xuống 118,6 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng tăng 6% lên 832,6 tỷ đồng, riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 18% tương đương 400,3 tỷ đồng; còn vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm được 12% còn 164,1 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu NAF tăng nhẹ 0,5% lên 32.150 đồng/CP, khối lượng giao dịch trong phiên đạt gần 2,36 triệu đơn vị.