Kinh doanh và cống hiến
Hai tháng trước, VinFast thiết lập trụ sở tại Khu thương mại tự do Jebel Ali (JAFZA) với sự hỗ trợ của Dubai International Chamber. Công ty đã ký kết các thỏa thuận đại lý tại Oman và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), cho thấy tiềm năng tăng trưởng tại thị trường Trung Đông.
Với việc xuất hiện ở Dubai, VinFast đặt kỳ vọng lớn vào thị trường Trung Đông. Dubai là thành phố có nhiều người giàu, nổi tiếng sinh sống. Hàng hóa ở đây thuộc nhóm xa xỉ.
Trước đó, cuối năm 2023, VinFast cũng đã trưng bày mẫu xe điện cao cấp nhất của mình là VF 9 tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) tại Dubai. Đây là một trong những hội nghị quốc tế quan trọng, với sự tham gia của các nguyên thủ đến từ gần 200 quốc gia trên thế giới.
Tháng 2/2024, VinFast Auto chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Bahwan Automobiles Trading (BAT) về việc phân phối xe điện tại thị trường Oman. Theo thỏa thuận, BAT là đại lý chính thức của VinFast tại Oman.
Trong giai đoạn 2024 - 2027, BAT dự kiến mở và vận hành 13 cửa hàng và xưởng dịch vụ VinFast.
Mới đây, đúng dịp kỷ niệm 5 năm khánh thành Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast (14/6/2019 - 14/6/2024), trả lời phỏng vấn của Hãng truyền thông Bloomberg, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định, việc thúc đẩy mạnh mẽ VinFast nhằm đưa ngành sản xuất của Việt Nam lên tầm quốc tế, bởi VinFast không chỉ là một dự án kinh doanh, mà còn là một dự án cống hiến. Theo đó, thay vì tập trung vào sản xuất xe giá rẻ như nhiều người vẫn nghĩ, VinFast sẽ nhắm vào những sản phẩm có giá hợp lý, đúng với giá trị thực.
Việt Nam nên đặt chiến lược trở thành quốc gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ và nguồn lực AI cho toàn cầu, lấy AI làm động lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong 30 năm tới.
- Ông Đỗ Cao Bảo, thành viên Hội đồng Quản trị FPT
Mặc dù mới bắt đầu sản xuất xe hơn 5 năm trước, nhưng hiện tại, VinFast cạnh tranh với các tên tuổi trên thế giới như Tesla, Hyundai khi bước chân vào thị trường Mỹ. VinFast cũng đang thâm nhập các thị trường như Ấn Độ và Indonesia.
Ở góc độ cá nhân, ông chủ Vingroup cho biết, ông sẽ hỗ trợ tài chính cho VinFast đến khi ông hết tiền. Hiện ông sở hữu khối tài sản khoảng 5,3 tỷ USD. Ông tự tin rằng, ông có thể chèo lái đưa VinFast vượt qua các thách thức, bất chấp việc những tên tuổi ô tô trên toàn cầu như Toyota, Volkswagen đang gặp khó khăn.
VinFast đang đối mặt với nhiều thách thức để trở thành thương hiệu thành công trên phạm vi toàn cầu. Các hãng xe điện Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu xe điện giá rẻ. Tesla đang giảm giá xe. VinFast cũng đang gặp nhiều khó khăn ở thị trường Mỹ.
Thực tế, nhiều hãng xe điện của Trung Quốc đã và đang hướng đến châu Âu, Đông Nam Á và các thị trường nước ngoài khác, đe dọa các nhà sản xuất ô tô lâu đời trên thế giới đến từ châu Âu, Mỹ.
Ngành xe điện cũng chứng kiến nhiều nỗ lực như những gì tỷ phú Elon Musk làm được với Tesla. Trong nửa đầu năm 2024, VinFast bán 21.747 xe ô tô điện trên toàn cầu, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ của VinFast. Dù vậy, những bất ổn kinh tế và thách thức trên toàn cầu đòi hỏi một chiến lược thận trọng hơn trong những tháng còn lại của năm 2024. Do đó, Công ty điều chỉnh mục tiêu giao xe ở mức khoảng 80.000 xe trong năm 2024, tăng 2,3 lần so với năm 2023 (34.855 xe).
Theo các chuyên gia truyền thông quốc tế, VinFast cần xây dựng thương hiệu và cạnh tranh với các đối thủ lớn. Ông Vượng hiểu rằng, để thành công tại Mỹ, đòi hỏi nhiều thời gian và vốn đầu tư. Nhưng ông đang thể hiện tinh thần không chùn bước trước mọi thách thức. Thậm chí, ông tin là VinFast sẽ sớm đạt điểm hòa vốn và có thể tự chủ.
Đặt cược tất cả tương lai của mình vào AI
Trong buổi thảo luận chuyên sâu “Future of FPT AI” của FPT mới đây, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định, đến năm 2035, Tập đoàn phải có 1 triệu chuyên gia tư vấn trí tuệ nhân tạo (AI). Mục tiêu này được FPT đặt ra trong bối cảnh lĩnh vực AI đang bùng nổ đến mức đe doạ đến số phận công việc của mỗi con người.
Vì sự tồn tại và phát triển của chính mình, FPT phải làm hết sức quyết liệt. Trên thực tế, FPT đã nghiên cứu và xây dựng các sản phẩm trong lĩnh vực AI từ khoảng 10 năm trước. Tập đoàn đang cung cấp hơn 20 giải pháp trong hệ sinh thái công nghệ AI cho 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước, phục vụ hơn 20 triệu người dùng cuối, đồng thời mở rộng hợp tác với các viện nghiên cứu và công ty hàng đầu về AI, như Viện Mila (Canada), Công ty Landing AI (Mỹ). Mới đây, FPT gây chú ý khi hợp tác chiến lược toàn diện với Nvidia - tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới.
Nhưng khoản lớn nhất, điều FPT chưa từng làm, là đầu tư 200 triệu USD xây dựng nhà máy AI ở Việt Nam. FPT đang làm phòng thí nghiệm AI ở Singapore, ở Thung lũng Silicon (Mỹ), hợp tác với những bậc thầy của thế giới như Yoshua Bengio, Andrew Ng…
FPT kỳ vọng rằng, mảng công nghệ AI sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh khác biệt để Tập đoàn có thể nhanh chóng hoàn thành mục tiêu 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài vào năm 2030, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế trong nhóm doanh nghiệp công nghệ thông tin tỷ USD trên toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu lớn, Chủ tịch FPT đề ra hướng đi cụ thể cho mỗi nhân viên phải tăng năng suất lao động 30%. “Tất cả phải là AI. Người FPT phải là chuyên gia AI, mỗi lãnh đạo FPT phải là lãnh đạo AI, mỗi đơn vị của FPT phải AI, mỗi sản phẩm - dịch vụ của FPT đều phải là AI”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Mới đây, TS. Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc AI của FPT Software (công ty thành viên của Tập đoàn FPT) là người Việt Nam duy nhất vào tốp đầu chuyên gia trong lĩnh vực AI thế giới (Top 150 lãnh đạo tiên phong thúc đẩy sự phát triển của AI trên toàn cầu - AI150, được Constellation Research ở Thung lũng Silicon chọn lựa và công bố). FPT cũng là doanh nghiệp duy nhất của Đông Nam Á có đại diện trong danh sách này.
Trong vai trò là Giám đốc AI tại FPT, TS. Nguyễn Xuân Phong đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ hợp tác của FPT với các đối tác AI hàng đầu như Nvidia, Mila, Landing AI, AITOMATIC. Đặc biệt, FPT Software gần đây trở thành thành viên sáng lập của Liên minh AI do IBM và Meta khởi xướng.
Ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT FPT chia sẻ, sau chiến lược xuất khẩu phần mềm năm 1998, AI là chiến lược quan trọng thứ hai trong lịch sử 36 năm của FPT. Trong đó, với chiến lược xuất khẩu phần mềm, FPT đã hái quả ngọt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2023. Còn giờ đây, AI được kỳ vọng sẽ mang lại cho FPT bước phát triển đột phá lớn hơn nữa.
Ở tầm quy mô quốc gia, ông Bảo cho rằng, Việt Nam nên đặt chiến lược trở thành quốc gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ và nguồn lực AI cho toàn cầu, lấy AI làm động lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước trong 30 năm tới.
Trong khi đó, Việt Nam cũng không hiếm start-up có quy mô nhân sự chỉ vài chục người, nhưng có giấc mơ làm những sản phẩm công nghệ cho hàng trăm ngàn, hàng triệu người dùng.
Trở thành “kỳ lân công nghệ” không phải là giấc mơ
Có thể nói, giữa những vấn đề không chắc chắn của kinh tế toàn cầu, sáng tạo công nghệ đã trở thành một nhân tố quan trọng đẩy mạnh sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.
Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư công nghệ trong khu vực những năm gần đây. Điều này nhờ kinh tế số chứng kiến sự tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp vừa qua (2022 và 2023). Hơn nữa, hiện cũng là mùa gọi vốn.
Start-up “kỳ lân” là cụm từ chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD. Đây là mục tiêu vươn tới của mọi doanh nghiệp khởi nghiệp trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Với việc đặt mục tiêu tạo ra 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030, trong những năm qua, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều sáng kiến nhằm nuôi dưỡng các start-up tiềm năng.
Mục tiêu chinh phục giấc mơ “kỳ lân công nghệ”, vươn tầm thế giới đang tạo sức ép rất lớn với những người đứng đầu doanh nghiệp. Họ trở thành người dẫn đường, người gánh vác, người truyền lửa cho tất cả những người đồng hành. Trách nhiệm trên vai không chỉ là “cơm áo gạo tiền”, là lợi nhuận của công ty, mà còn gánh cả giấc mơ của cả đồng đội, đội ngũ nhân viên.
Song các nhà đầu tư ngày càng khó tính hơn, thị trường dần bão hòa, doanh nghiệp đối mặt với sức ép và thách thức ngày càng lớn để có thể sống sót.
Doanh nghiệp cho rằng, bối cảnh kinh doanh ngày xưa đã khó, nay càng khó hơn. Nhưng hơn ai hết, họ hiểu rằng, chỉ khi thực sự đối mặt với cuộc chiến sinh tồn với nỗi lo “cơm áo gạo tiền” trong giai đoạn kinh tế hiện nay, họ mới thực sự ý thức được bản thân và doanh nghiệp của mình cần chuyển đổi thực tế và thực chiến hơn bao giờ hết.
Thế hệ doanh nhân Việt Nam, dù trẻ hay già đều mang đầy khát vọng đưa công ty mình lên tầm thế giới, đưa Việt Nam trở thành cường quốc khởi nghiệp với những start-up đứng đầu thế giới.
Và thực tế, chúng ta đã có những start-up có hàng chục triệu người dùng trên toàn cầu, có vốn hóa tỷ USD, có doanh thu hàng chục, hàng trăm triệu USD từ thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, để có thêm ngày càng nhiều doanh nhân trẻ với những công ty vươn tầm thế giới, để ngày càng nhiều doanh nhân Việt gánh được giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động, rất cần sự chung tay tạo điều kiện từ Chính phủ, cơ quan nhà nước không chỉ về luật, chính sách, mà cả những kết nối, hỗ trợ để doanh nghiệp vươn ra biển lớn.
Trước hết, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp Việt, doanh nhân Việt có được chỗ đứng tại sân nhà, sau đó hợp tác cùng các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để lấn sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, vốn, lãi suất ưu đãi…, giúp doanh nghiệp tái cấu trúc mô hình kinh doanh để đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn mới của thế giới, xu hướng sản xuất trên thế giới, như sản xuất xanh, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh doanh có trách nhiệm... Có như vậy, Việt Nam mới mau chóng gầy dựng một thế hệ doanh nhân mới đạt tầm vóc quốc tế, góp phần đưa đất nước phát triển hùng cường.