Sau một năm hoạt động, Sàn Giao dịch chứng khoán Yangon của Myanmar hiện là ”mái nhà chung” của 4 công ty.
Kể từ khi lên sàn hồi tháng 1/2016, không có đợt huy động vốn mới nào được thực hiện và lượng giao dịch chủ yếu xuất phát từ nhóm các nhà đầu tư nhỏ, phần nhiều trong số họ chỉ mua cổ phiếu với giá trị giao dịch dưới 20.000 kyat (khoảng 15 USD). Trung bình mỗi ngày, chưa đầy 17.000 cổ phiếu tại Myanmar được “sang tay”, chỉ tương đương lượng giao dịch được thực hiện trong 1/8 giây trên thị trường chứng khoán New York (Mỹ).
Kể từ khi Myanmar “chuyển mình” từ chính quyền quân sự sang dân sự hồi tháng 12/2015, đời sống của 51 triệu dân nước này đã được cải thiện đáng kể. Rất nhiều trong số họ đã mua ô tô, tiếp cận truyền thông xã hội và điện thoại thông minh (smartphone).
Quốc gia Đông Nam Á này vẫn đang trong quá trình thiết lập hệ thống kinh tế, thị trường, thu nhập trung bình của người dân chỉ khoảng 1.270 USD/năm và nhiều người Myanmar vẫn chưa xóa bỏ tâm lý thận trọng đối với các ngân hàng.
Giới phân tích nhận định, Myanmar còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn thúc đẩy hệ thống ngân hàng bán lẻ, giao dịch thế chấp, thị trường thẻ tín dụng, hay trái phiếu doanh nghiệp. Đó còn chưa kể quốc gia này vẫn chưa cho phép các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thị trường chứng khoán.
Daw Tin May Oo, Thành viên Ủy ban Chứng khoán và ngoại hối Myanmar cho biết, những điều chỉnh Luật Công ty nội địa nhằm cho phép nhà đầu tư không phải người dân bản xứ được sở hữu tối đa 35% cổ phần một công ty Myanmar sẽ sớm được đưa ra trong tháng 2 này.
Mặc dù vậy, cho đến lúc đó, sàn chứng khoán Yangon sẽ vẫn chỉ là “sân chơi” của 4 công ty First Myanmar Investment Co., Myanmar Thilawa SEZ Holdings Public Ltd., Myanmar Citizens Bank Ltd. và First Private Bank Ltd.
“Dự án phù hoa”?
“Thật khó để coi sàn chứng khoán Myanmar là một điểm cộng, hay chỉ là ‘dự án phù hoa’ của Chính phủ nước này”, Mike Dean, Giám đốc Quỹ đầu tư tư nhân Myanmar Investments tại Yangon nhận định.
Chính phủ Myanmar đã phải bắt đầu lại ngành tài chính của mình từ mức dưới 0. Trong suốt giai đoạn chính quyền quân sự, bắt đầu từ năm 1962, người dân Myanmar đã quen với việc tích trữ tiền ở nhà, thay vì gửi vào các định chế tài chính.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2003 đã cuốn sạch rất nhiều tiền gửi tiết kiệm của người dân trong các ngân hàng tư nhân trên cả nước và đó vẫn là một ký ức cay đắng với Myanmar.
“Sau sự cố đó, họ càng quyết tâm giữ tiền ở bất kỳ đâu, chứ không phải trong hệ thống ngân hàng”, ông Dean nói.
Khi Sàn chứng khoán Yangon mở cửa, sự kỳ vọng và hăng hái được đẩy lên cao. Tuy nhiên, để được giao dịch trên sàn, nhà đầu tư phải liên hệ với 1 trong 6 nhà môi giới chứng khoán đã được Chính phủ ủy quyền. Nhiều người cảm thấy thất vọng và không còn hứng thú với thị trường cổ phiếu.
Cơ hội nào cho khối ngoại?
Giới phân tích nhận định, sự quan tâm của khổi ngoại đối với Sàn chứng khoán Myanmar là rõ ràng, song họ chỉ có lựa chọn đầu tư thông qua hình thức liên doanh, chứ không trực tiếp mua cổ phiếu, trong bối cảnh bộ luật đầu tư vẫn còn kẽ hở.
Có thể nói, Chính phủ Myanmar vẫn muốn mọi giao dịch trên thị trường được thực hiện trực tiếp và nhà đầu tư cần được tư vấn trước khi giao dịch. 6 nhà môi giới chứng khoán Myanmar đã tạo ra các ứng dụng giao dịch chứng khoán cho khách hàng qua nền tảng điện thoại thông minh, song tất cả đã bị cấm.
Để thực hiện giao dịch, nhà đầu tư phải trực tiếp đến thị trường và trao đổi với môi giới. Các giao dịch trị giá trên 8.000 USD phải được báo cáo tới Ủy ban Quản lý chứng khoán. Tuy nhiên, phần lớn các giao dịch lớn này đều không được thông qua.