Bên trong một quán mỳ ở trung tâm thành phố Yangon, hoạt động kinh doanh khá sôi động. Thực khách ngồi ken kín khắp chỗ, xì xụp húp súp gà hay ăn bánh bao. Tất cả đều trả bằng tiền mặt. Rất ít khách hàng yêu cầu nhận hóa đơn.
Khi phóng viên The Economist yêu cầu có hóa đơn, cửa hàng chấp nhận cung cấp với nhãn dán đóng thuế của chính phủ. Cùng với đó, giá cho bữa ăn tăng lên. Dường như, phần lớn doanh thu của quán mỳ không phải đóng một khoản thuế nào.
Trong thập kỷ qua, kinh tế Myanmar bước vào giai đoạn bùng nổ. Theo World Bank, nước này tăng trưởng 5,9% vào năm ngoái.
Về trung hạn, dự báo kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng 7,1% mỗi năm, đưa đất nước cổ kính trở thành “ngôi sao đang lên” ở khu vực Đông Nam Á. Nghèo đói đã giảm dù vẫn còn nhiều.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Myanmar đang có tỷ lệ huy động thuế phí từ GDP thấp nhất Đông Nam Á và thuộc hàng thấp nhất thế giới, chỉ 7,5% GDP. Trong khi đó, con số này của Thái Lan là 16%, của Campuchia là 14%.
Vào thời cầm quyền của quân đội, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn, dưới 4% GDP.
Tuy nhiên, sau khi trở thành tổng thống, ông Thein Sein đã đưa ra một chương trình cải cách kinh tế, trong đó có việc thành lập một văn phòng chịu trách nhiệm thu thuế từ các công ty lớn. Đến năm 2015, thu ngân sách của chính phủ nhờ thế tăng gấp đôi.
Các tướng lĩnh Myanmar cho phép bầu cử vào năm 2015, mở đường cho Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi chính thức nắm quyền.
Một trong những ưu tiên của chính quyền mới là chống tham nhũng và mở rộng thu thuế. Giới chủ doanh nghiệp than phiền rằng những nhân viên thuế hối lộ vì lợi ích cá nhân thay vì quan tâm đến nguồn thu của chính quyền.
Thuế cũng không đánh lên những cư dân có thu nhập thấp nên nguồn thu càng hẹp.
Đó là chưa kể các loại thuế khác đều bị né tránh. Theo Lachlan McDonald, một nhà kinh tế tại Viện Renaissance, để tránh phải trả thuế kinh doanh bất động sản, người thuê mua và người bán thường làm hai hợp đồng. Một hợp đồng là giá trị giao dịch thực tế còn hợp đồng còn lại để nộp cho cơ quan thuế.
Koe Koe Tech là một đơn vị cung cấp giải pháp thí điểm cho các chính quyền địa phương về dịch vụ công trực tuyến. Michael Lwin, đại diện công ty cho biết giá thuê trung bình mỗi năm trong số 23.516 bất động sản mà hệ thống này thu thập được tại thành phố Taunggyi chỉ ở mức 21 USD.
Đây là mức kê khai thấp khó tin trong khi thị trường thực tế cao hơn rất nhiều. Do vậy, dù nhân viên thuế có trung thực và tâm huyết thì họ cũng chẳng thu được bao nhiêu tiền thuế cho ngân sách.
Thói quen gửi tiền ngân hàng cũng không phổ biến. Hầu hết người Myanmar thích quyên góp tiền cho đền thờ, chùa chiền Phật giáo. Họ xem đó là điều hiển nhiên.
Trong khi đó, phúc lợi xã hội kém làm họ không muốn đóng thuế. Tại Yangon, phí thu gom rác chính thức là 600 kyat (0,44 USD) mỗi tháng.
Nhưng cư dân lại phàn nàn rằng, để rác được mang đi thì họ phải trả khoản phí không chính thức cho nhân viên thu gom là 200 kyat mỗi tháng.
“Người dân không muốn đóng thuế vì họ chưa bao giờ nhận được gì nhiều từ chính phủ”, chuyên gia Matthew Arnold từ tổ chức phi chính phủ Asia Foundation cho biết. Những người Myanmar ít có mối quan hệ không kiếm được bao nhiêu tiền nên không thể thu được gì từ họ.
Cơ sở tính thuế tại Myanmar cũng còn khá lạc hậu. Ví dụ như thuế bất động sản dựa trên số tầng của tòa nhà và vật liệu xây dựng mà không tính đến lạm phát. Các thông tin tính thuế cũng được lưu trên giấy chứ hầu như không có hồ sơ kỹ thuật số.
Hiện tại, chính quyền thành phố Yangon đã thiết lập một bộ phận để rà soát những người nộp thuế tiềm năng ngoài các công ty lớn. Tuy nhiên, theo The Economist, chính phủ mới của Myanmar có thể bị mắc kẹt ở một cái vòng lẩn quẩn.
“Sẽ rất khó thuyết phục người Myanmar đóng thuế trừ khi họ nhận được một số dịch vụ đổi lại, nhưng cũng khó lòng cung cấp các dịch vụ tươm tất khi mà không có tiền từ thu thuế”, tờ báo bình luận.