Phố Wall gần như không thay đổi trong phiên giao dịch cuối tuần qua khi cổ phiếu Apple gây sức ép lên thị trường được bù đắp bởi đà tăng của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế sau khi Thượng nghị sỹ John McCain phản đối chính sách y tế mới mà đảng Cộng hòa đưa ra để thay thế Obamacare.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng thận trọng với trước căng thẳng địa chính trị sau những phát biểu đe dọa lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong đó, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa hủy diệt Triều Tiên, Bình Nhưỡng đáp trả với tuyên bố khả năng thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương.
Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Dow Jones giảm 9,64 điểm (-0,04%), xuống 22.349,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,62 điểm (+0,06%), lên 2.502,22 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 4,23 điểm (+0,07%), lên 6.426,92 điểm.
Với những phiên tăng giảm đan xen và biên độ hẹp trong tuần, phố Wall gần như không đổi nhiều trong tuần qua, trong đó Dow Jones tăng 0,36%, chỉ số S&P 500 tăng 0,08% (tuần tăng thứ 2 liên tiếp của cả 2 chỉ số), trong khi chỉ số Nasdaq đảo chiều giảm 0,33%.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, chứng khoán Anh và Pháp duy trì đà tăng tốt, trong khi chứng khoán Đức điều chỉnh nhẹ.
Kết thúc phiên 22/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 46,74 điểm (+0,64%), lên 7.310,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 7,68 điểm (-0,06%), xuống 12.592,35 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 14 điểm (+0,27%), lên 5.281,29 điểm.
Sau chuỗi ngày trái chiều, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt tăng điểm trong tuần qua. Trong đó, chỉ số FTSE 100 đã đảo chiều tăng 1,32% sau 2 tuần giảm liên tiếp, chỉ số DAX của Đức có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,59% và chỉ số CAC 40 cũng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 1,29%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư lo lắng về căng thẳng địa chính trị leo thang trên bán đảo Triều Tiền. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất 1 tháng sau khi Standard & Poor's khi hạ bậc xếp hạng tín dụng của Trung Quốc.
Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 51,03 điểm (-0,25%), xuống 20.296,45 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 229,80 điểm (-0,82%), xuống 27.880,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,94 điểm (-0,15%), xuống 3.352,87 điểm.
Dù điều chỉnh phiên cuối tuần, nhưng với những phiên tăng điểm trước đó, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục tăng 1,94% (tuần tăng thứ 2 liên tiếp). Chứng khoán Hồng Kông cũng có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0,26%, trong khi chứng khoán Trung Quốc có tuần giảm thứ 3 liên tiếp khi mất 0,02%.
Sau chuỗi giảm mạnh liên tiếp và xuống mức thấp nhất 4 tuần, giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần khi căng thẳng địa chính trị trên bán đảo Triều Tiên gia tăng.
Kết thúc phiên 22/9, giá vàng giao ngay tăng 6,5 USD/ounce (+0,50%), lên 1.297,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 5,7 USD/ounce (+0,44%), lên 1.300,5 USD/ounce.
Dù giá hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng giá vàng vẫn có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay giảm 1,68%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 1,74%.
Với tuần điều chỉnh vừa qua, cả giới phân tích và các nhà đầu tư đều có cái nhìn thận trọng trở lại với xu hướng của giá vàng trong tuần này.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, chỉ có 16 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 8 người, chiếm 50% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, tương đương tuần trước đó thấp hơn con số. Có 5 người dự báo giảm, chiếm 31%, thấp hơn con số 43% của tuần trước và 3 người dự báo đi ngang, chiếm 19%.
Trong khi đó, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, chỉ có 525 người tham gia (chưa bằng một nửa so với tuần trước), trong đó có 237 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 45%, cao hơn so với con số 40% của tuần trước; 206 người, chiếm 39% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn nhiều so với con số 50% của tuần trước; 82 lượt, chiếm tỷ lệ 16% giữ quan điểm trung lập.
Giá dầu thô hồi phục nhẹ trở lại sau khi trong cuộc họp tại Vienna (Áo), OPEC cho biết, sẽ chờ đợi đến tháng Giêng năm sau trước khi có quyết định là mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng hay không.
Kết thúc phiên 22/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,11 USD (+0,22%), lên 50,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,43 USD (+0,76%), lên 56,86 USD/thùng.
Giá dầu thô có tuần tăng thứ 3 liên tiếp dù mức tăng thấp hơn nhiều tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ tăng 1,54% và giá dầu thô Brent tăng 2,23%.