Các tàu hàng đang neo đậu ở eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 11/12/2022 để chờ kiểm tra theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Ảnh: Reuters
Trung Quốc, một trong những đồng minh chiến lược của Nga, là quốc gia hàng đầu nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine theo thỏa thuận "sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Sau gần một năm có hiệu lực, tháng trước, Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vì cho rằng thỏa thuận này chỉ có lợi cho Ukraine.
"Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" giúp nới lỏng phong tỏa hải quân của Nga ở Biển Đen và thiết lập một hành lang nhân đạo trên biển cho phép hơn 1.000 tàu chở gần 33 triệu tấn lúa mì, lúa mạch, ngô và hướng dương của Ukraine đi qua.
Từ khi bắt đầu triển khai thỏa thuận vào tháng 7/2022, sau gần 6 tháng tính từ lúc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các cảng của Trung Quốc đã đón 8 triệu tấn sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, chiếm tỷ trọng lớn nhất theo dữ liệu của Liên hợp quốc.
Phát biểu trên đài CNBC, ông David Riedel, nhà sáng lập công ty nghiên cứu độc lập Riedel Research Group, cho biết: "Trung Quốc là nước mua ngũ cốc lớn nhất của Ukraine, cho nên khi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sụp đổ, áp lực lên Bắc Kinh sẽ rất lớn, xét về mặt lạm phát giá lương thực".
"Họ có thể đã dự trữ trước một chút trước khi thỏa thuận đó bị đổ vỡ nhưng đó là lượng dự trữ trong vài tuần chứ không phải vài tháng", ông Riedel nói, đồng thời nhấn mạnh: "Tôi rất lo lắng về lạm phát giá lương thực ở Trung Quốc".
Ông Zhang Jun, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, đánh giá rằng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen có "tác động tích cực đến việc duy trì an ninh lương thực toàn cầu", đồng thời kêu gọi sớm nối lại hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine cũng như các sản phẩm phân bón của Nga.
"Trung Quốc hy vọng rằng tất cả các bên liên quan sẽ tăng cường đối thoại, tham vấn và gặp nhau", ông Zhang nói trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì.
Ngoại trưởng Blinken chỉ trích việc Nga rút lui khỏi thỏa thuận ngũ cốc và tuyên bố sẽ hợp tác với các đồng minh để tìm cách giảm thiểu cuộc khủng hoảng lương thực đang gia tăng mà một phần lý do là do sự sụp đổ của sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.
"Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận vào ngày 17/7, phớt lờ lời kêu gọi của thế giới, giá ngũ cốc đã tăng hơn 8% trên toàn cầu", Ngoại trưởng Blinken cho biết.