Mỹ và Anh thắt chặt thực thi trần cơ chế trần giá dầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Anh và Mỹ đang thắt chặt các quy định xung quanh việc vận chuyển dầu của Nga nhằm cố gắng gây khó khăn hơn cho nước này trong việc phá vỡ trần giá.
Mỹ và Anh thắt chặt thực thi trần cơ chế trần giá dầu

Theo các quy tắc được công bố hôm thứ Tư (20/12), các công ty tham gia vận chuyển dầu của Nga sẽ cần chuẩn bị tài liệu mới để chứng minh rằng mỗi chuyến đi đều tuân thủ cơ chế trần giá của G7, thay vì những lời đảm bảo chung chung rằng luật sẽ được tuân thủ.

Quy định chi tiết tương tự đang được ban hành bởi các thành viên khác của “liên minh trần giá”, bao gồm G7, EU và Úc. Mục đích là gây khó khăn hơn cho Nga trong việc tận dụng các dịch vụ như bảo hiểm mà không tuân thủ trần giá.

Theo quy định mới, khi dầu được bán ở mức giá bao gồm các chi phí khác, như bảo hiểm và vận chuyển hàng hóa, các công ty bảo hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ khác sẽ có thể yêu cầu thông tin chi phí về cách tính giá hợp đồng.

Sự thay đổi này nhằm mục đích khiến các công ty gặp khó khăn hơn trong việc lách các hạn chế bằng cách định giá dầu dưới mức trần và sau đó thu hồi tiền thông qua phí vận chuyển, bảo hiểm và các chi phí khác như giấy phép xuất khẩu và đóng gói tăng cao.

Benjamin Hilgenstock, nhà kinh tế tại Trường Kinh tế Kyiv cho biết: “Đây là những bước phát triển đáng khích lệ vì lần đầu tiên, các công ty bảo hiểm thực sự có khả năng kiểm tra xem khách hàng của họ có vi phạm các biện pháp trừng phạt trên mỗi chuyến đi hay không…Nó cũng có khả năng giúp các cơ quan thực thi dễ dàng kiểm tra xem có xảy ra vi phạm hay không”.

Dầu Nga được bán cao hơn giá trần trong nhiều tháng

Dầu Nga được bán cao hơn giá trần trong nhiều tháng

Theo các điều khoản về trần giá được đưa ra vào tháng 12/2022, các công ty từ các quốc gia liên minh trần giá có thể tham gia vận chuyển dầu của Nga miễn là dầu được định giá dưới mức tối đa giá đã ấn định. Đối với dầu thô, mức giá này được cố định ở mức 60 USD/thùng.

Tuy nhiên, doanh số bán dầu thô từ Nga thường xuyên được định giá trên 60 USD/thùng kể từ mùa hè này, dẫn đến lo ngại về việc liệu mức trần giá có còn hiệu quả trong việc hạn chế doanh thu từ dầu của Nga hay không. Các quan chức hy vọng chứng minh được rằng hành động phối hợp có thể kìm hãm giá dầu mà Nga xuất khẩu.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, họ xem đây là “giai đoạn hai” của việc thực hiện trần giá và cho biết Mỹ đang chuyển hướng sang thực thi quyết liệt hơn.

Quan chức này lưu ý rằng kể từ giữa tháng 10/2023, khi họ bắt đầu tăng cường hành động thực thi này, mức chênh lệch giá dầu của Nga so với giá thị trường đã tăng từ 13 USD lên 18 USD/thùng.

Nga phần lớn đã vượt qua giới hạn bằng cách xây dựng “hạm đội bóng tối” - một nhóm gồm các tàu phần lớn đã cũ và không có mối liên hệ nào với các quốc gia liên minh trần giá, do đó không bị ràng buộc bởi các quy định. Tuy nhiên, nước này vẫn phụ thuộc một phần vào các công ty liên kết với phương Tây để xuất khẩu.

Trong những tháng gần đây, hơn 25% lượng dầu thô xuất khẩu được vận chuyển bằng các tàu có liên kết với G7 hoặc EU - ngay cả khi hầu như không có loại dầu nào được vận chuyển với giá thấp hơn giá trần.

Trong khi đó, Văn phòng Thực thi Lệnh trừng phạt Tài chính (OFSI) của Bộ Tài chính Anh cho biết, họ đang đưa ra những thay đổi nhằm “tăng cường chế độ tuân thủ và giảm các lộ trình gian lận” cũng như phù hợp với các đối tác G7.

Là một phần của nỗ lực này, hôm thứ Tư (20/12), Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Bellatrix và Covart Energy tại Hồng Kông và Voliton tại Dubai - những công ty ít được biết đến nhưng đã trở nên nổi tiếng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Ba công ty này được liệt kê vì “hoạt động hoặc đã hoạt động trong lĩnh vực hàng hải của nền kinh tế Nga”.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, “Bellatrix đã giao dịch hàng chục triệu tấn dầu thô và các sản phẩm khác của các công ty dầu khí nhà nước Nga và đã nhận được khoản vay trị giá hàng trăm triệu đô la từ ngân hàng nhà nước của Nga”.

Tin bài liên quan