Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 17/1 nhấn mạnh Mỹ coi việc giải quyết những mối quan ngại của Liên minh châu Âu (EU) về luật trợ cấp xanh của Mỹ là ưu tiên của nước này.
EU lo ngại Đạo luật Giảm lạm phát Mỹ (IRA) sẽ thu hút các doanh nghiệp công nghệ sạch đến Mỹ và đe dọa ngành công nghiệp châu Âu.
Phát biểu với báo giới trước thềm cuộc gặp Ủy viên thương mại của EU Valdis Dombrovskis, bà Tai cho rằng nhóm làm việc mà các đối tác thương mại xuyên Đại Tây Dương thành lập hồi tháng 10/2022 để giải quyết những vấn đề khúc mắc giữa Mỹ và EU liên quan đạo luật IRA đang hoạt động tích cực.
Theo bà Tai, các vấn đề cần giải quyết là phức tạp và quan trọng đối với cả mối quan hệ Mỹ-EU và việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Bà Tai nhấn mạnh "Nhóm công tác đang làm việc và thực sự được đích thân Tổng thống Joe Biden dành ưu tiên cao nhất."
Theo bà Tai, Mỹ không tìm cách để sở hữu chuỗi cung ứng hoàn toàn trong nước và muốn tạo ra chính sách thương mại với các đồng minh.
Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), Mỹ và EU đã ký kết một thỏa thuận quy định hạn ngạch thuế quan đối với hàng nông sản.
Một khi thỏa thuận này có hiệu lực, Mỹ có thể duy trì khả năng tiếp cận hiện tại vào thị trường EU đối với các mặt hàng nông sản khác nhau sau khi Anh rời khỏi EU vào ngày 1/1/2021.
Thỏa thuận đồng thời cũng sẽ giúp khôi phục khả năng tiếp cận thị trường EU đối với nhiều loại nông sản của Mỹ như gạo, hạnh nhân, lúa mì và ngô.
Tháng 8/2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký đạo luật IRA, kế hoạch chi tiêu trị giá 369 tỷ USD bao gồm các khoản giảm thuế lớn cho năng lượng sạch, bao gồm cả năng lượng Mặt Trời.
IRA được coi là thỏa thuận lịch sử về khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch của Mỹ năm 2022. Đây là khoản đầu tư tích cực nhất cho khí hậu mà Quốc hội Mỹ từng thực hiện và dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 40% lượng khí thải trong thập kỷ này, đưa nước Mỹ hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050.
Mặc dù vậy, các đối tác thương mại của Mỹ ở châu Âu và châu Á đang lo ngại đạo luật này sẽ khiến các ngành cần nhiều vốn đầu tư của họ lâm vào cảnh khó khăn.