Tuyên bố trên được đưa ra bởi Bộ Ngoại giao Mỹ qua một thông báo trên trang web chính thức của cơ quan này vào hôm thứ Sáu (27/12).
Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố các quy tắc hành động đối với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
"Mỹ sẽ áp các biện pháp trừng phạt nếu các công ty liên quan đến quá trình xây dựng không thể hiện ngay ý định dừng công việc của họ. Các công ty liên quan phải hoàn thành mọi việc trong vòng 30 ngày. Bất kỳ công ty nào tham gia dự án Nord Stream 2 cũng nên nghiên cứu kỹ, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với tình hình hoạt động của công ty”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Cơ quan này còn nhấn mạnh thêm: "Ý định của Mỹ là ngăn chặn Nord Stream 2”.
Theo đó, công bố cũng nhấn mạnh rằng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ chuẩn bị báo cáo Quốc hội Mỹ trong vòng 60 ngày, trong đó sẽ liệt kê các công ty mà theo phía Mỹ là “phạm luật”.
"Ngoại trưởng sẽ đệ trình báo cáo này mà không có sự chậm trễ", Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý.
“Chính phủ Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, vì các giải pháp thay thế giúp giảm vai trò của địa chính trị trong thị trường năng lượng, giảm giá cho khách hàng và tăng cường an ninh năng lượng tại các quốc gia có nhu cầu. Ví dụ, ước tính LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) của Mỹ giúp tiết kiệm 8 tỷ USD cho người tiêu dùng châu Âu bằng cách cho phép họ thương lượng một mức gia thấp hơn so với giá mà nhà cung cấp hiện tại đưa ra”, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
Trước đó, sau khi Washington áp đặt lệnh trừng phạt đối với dự án Nord Stream 2, Moscow tuyên bố sẽ có động thái đáp trả. Bà Maria Zakharova, đại diện của Bộ Ngoại giao Nga lưu ý, nguyên tắc phản ứng đối xứng với “các cuộc tấn công không mẫy thân thiện", như của Mỹ, vẫn luôn tồn tại.
Châu Âu cũng đã có đã có động thái phản ứng với lệnh trừng phạt của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Stef Blok cho biết, tình hình hiện tại là không thể chấp nhận được.
Ulrike Demmer, phó phát ngôn viên của Chính phủ Đức nhấn mạnh, Berlin phản đối các biện pháp trừng phạt áp đặt ngoài lãnh thổ của Mỹ, vì nó "đang chống lại các công ty Đức và châu Âu, đông thời tạo ra sự can thiệp vào công việc nội bộ" tại các quốc gia này.
Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật về ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2020, bắt buộc chính quyền Washington phải áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp tham gia vào dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 và TurkStream. Vào ngày 11/12, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này và ngày 20/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt bút ký dự luật và dự luật bắt đầu có hiệu lực.
Một trong những mục tiêu chính mà Mỹ muốn nhắm đến là Allseas, một công ty Thụy Sĩ sở hữu tàu dải ống lớn nhất thế giới, Pioneering Spirit, được Gazprom của Nga thuê để xây dựng đoạn đường ống dưới biển.
Trong bối cảnh đó, Allseas cho biết, từ ngày 21/12 họ đã đình chỉ thi công vì sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nord Stream 2 là dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Tây Âu, xuyên qua Biển Baltic. Nord Stream 2 đã hoàn thành 80%, có thể sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay. Dự án này sẽ tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga chuyển sang Đức, rồi từ Đức chuyển đi các quốc gia Tây Âu khác.
Nord Stream 2 có mức đầu tư khoảng 10 tỷ euro, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell).
Mỹ và một số nước châu Âu, bao gồm Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic, cho rằng, đường ống này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.
Được biết, đường ống dẫn khí Nord Stream 2 dài tổng cộng 2.460 km và vẫn còn khoảng 160 km chưa hoàn thành.
Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev cho biết, Nord Stream 2 vẫn sẽ hoàn thành bất chấp lệnh trường phạt của Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố, Nord Stream 2 sẽ hoàn thành việc xây dựng vào cuối năm 2020.