Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hội nghị G20 cuối tuần qua tại Nhật Bản, Mỹ đồng ý không tăng thêm thuế với hàng của Trung Quốc, đồng thời đồng ý cho một số công ty của Mỹ bán thiết bị cho Huawei. Hai bên cũng đồng ý trở lại bàn đàm phán để tìm kiếm thỏa thuận chấm dứt cuối chiến thương mại kéo dài 1 năm qua.
Sau thông tin trên, chứng khoán châu Á đã tăng vọt trong phiên giao dịch đầu tuần mới và sắc xanh tiếp tục lan tỏa trên thị trường chứng khoán châu Âu, Mỹ sau đó.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, thông tin Mỹ - Trung tạm ngừng chiến đã giúp nhóm cổ phiếu công nghệ tăng mạnh. Tuy nhiên, đà tăng cũng hãm bớt khi nhà đầu tư đặt nghi ngờ về khả năng Fed có giảm lãi suất trong tháng 7 hay không. Ngoài ra, giới đầu tư cũng thận trọng trước kỳ nghỉ lễ 4/7 sắp tới. Dù vậy, S&P 500 vẫn đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới.
Kết thúc phiên 1/7, chỉ số Dow Jones tăng 117,47 điểm (+0,44%), lên 26.717,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,57 điểm (+0,77%), lên 2.964,33 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 84,92 điểm (+1,06%), lên 8.091,16 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục tăng mạnh trong phiên đầu tuần sau khi Mỹ - Trung đồng ý trở lại bàn đàm phán thương mại.
Kết thúc phiên 1/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 71,87 điểm (+0,97%), lên 7.497,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 122,58 điểm (+0,99%), lên 12.521,38 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 28,95 điểm (+0,52%), lên 5.567,91 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc tăng vọt hơn 2% sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý trở lại bàn đàm phán thương mại, trong đó chứng khoán Nhật Bản leo lên mức cao nhất gần 2 tháng. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại không thể hưởng niềm vui do nghỉ giao dịch nhân kỷ niệm 22 năm được trao trả cho Trung Quốc đại lục.
Kết thúc phiên 1/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 454,05 điểm (+2,13%), lên 21.729,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 66,02 điểm (+2,22%), lên 3.044,90 điểm.
Trên thị trường vàng, thông tin tích cực từ cuộc gặp Trump - Tập, cùng áp lực chốt lời sau chuỗi tăng mạnh đã khiến giá vàng có phiên lao dốc trong ngày giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 1/7, giá vàng giao ngay giảm 25,2 USD (-1,79%), xuống 1.383,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 24,4 USD (-1,73%), xuống 1.389,3 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô tăng trở lại sau khi OPEC đồng ý kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến tháng 3/2020 và sẽ bàn tiếp vấn đề này với các đối tác lớn khác tại cuộc họp sắp tới. Tuy nhiên, đà tăng sau đó hạ nhiệt nhanh, bởi nỗi lo dư cung vẫn còn khi sản lượng của Mỹ tăng vọt.
Kết thúc phiên 1/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,62 USD (+1,06%), lên 59,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 8 vẫn đứng tại mức 66,55 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 9 tăng 0,32 USD (+0,49%), lên 65,06 USD/thùng.