Mỹ trấn an người gửi tiền khi lượng rút khỏi ngân hàng nhỏ vẫn cao

Mỹ trấn an người gửi tiền khi lượng rút khỏi ngân hàng nhỏ vẫn cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng Mỹ đã khiến một lượng lớn tiền gửi dịch chuyển từ các ngân hàng khu vực quy mô nhỏ sang các ngân hàng lớn. Các chuyên gia cảnh báo, xu hướng này nếu kéo dài, có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ.

Có thể áp dụng lại các động thái khẩn cấp liên bang nếu cần thiết

Reuters trích dẫn các số liệu vừa được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố cho thấy, ngay sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), số tiền gửi tại các ngân hàng có quy mô nhỏ tại Mỹ đã giảm mạnh 119 tỷ USD, xuống còn 5.460 tỷ USD.

Mức giảm này cao gấp hơn hai lần mức giảm kỷ lục trước đó, và là cú lao dốc mạnh nhất tính theo phần trăm tổng số tiền gửi kể từ tuần kết thúc vào ngày 16/3/2007. Cùng trong giai đoạn này, số tiền gửi tại các ngân hàng lớn của Mỹ đã tăng 67 tỷ USD, lên 10.740 tỷ USD.

Trước đó, trong một báo cáo khác, các chuyên gia phân tích của JPMorgan Chase ước tính, các ngân hàng Mỹ có thể đã mất tổng cộng 1.000 tỷ USD tiền gửi kể từ năm ngoái, trong đó, một nửa số tiền bị rút ra trong tháng 3/2023 sau sự sụp đổ của SVB.

Theo nhóm chuyên gia phân tích, đứng đầu là Nikolaos Panigirtzoglou, trong số này một nửa đã được chuyển đến các quỹ thị trường tiền tệ của chính phủ, trong khi nửa còn lại được gửi vào các ngân hàng lớn của Mỹ.

Theo tỷ phú Marc Lasry, đồng sáng lập Avenue Capital Group, ngay cả khi rủi ro phá sản của một ngân hàng khu vực là nhỏ, nhiều người gửi tiền vẫn coi việc chuyển tiền của họ tới các ngân hàng lớn tại Phố Wall là cần thiết trong trường hợp Fed không áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền gửi.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ có các khoản tiền gửi trị giá ít nhất 200 triệu USD tại các ngân hàng khu vực, vốn không được bảo hiểm bởi Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang.

Ông Lasry cho biết: "Không có nhiều lợi ích khi giữ tiền của bạn trong một ngân hàng quy mô nhỏ ngay cả khi ngân hàng đó hoạt động rất tốt".

Trước nguy cơ người gửi rút tiền ồ ạt ra khỏi các ngân hàng khu vực, các quan chức, giám đốc điều hành các ngân hàng và những lãnh đạo đại diện ngành đang cố gắng trấn an dư luận rằng, hệ thống tài chính vẫn an toàn và việc chuyển tiền đến các ngân hàng lớn là việc không cần thiết.

Ông Anderson và 3 Giám đốc điều hành ngân hàng nhỏ đã khẳng định, không nhận thấy tiền gửi bị rút khỏi ngân hàng của mình.

Camden Fine, cựu Chủ tịch của Cộng đồng Ngân hàng Độc lập Mỹ cho biết: “Tôi đã nói chuyện với ít nhất 30 giám đốc điều hành ngân hàng cộng đồng trên khắp nước Mỹ, từ các ngân hàng có tài sản trị giá 500 triệu cho tới 10 tỷ USD. Mọi người đều nói vẫn nhận được tiền gửi vào ngân hàng của mình, và cảm thấy hoang mang trước thông tin về làn sóng rút tiền từ các ngân hàng nhỏ để chuyển sang các ngân hàng lớn”.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn bao gồm Bank of America, Citigroup, Wells Fargo và JPMorgan Chase cũng tránh để tình hình trầm trọng thêm bằng việc yêu cầu các nhân viên không tiếp cận khách hàng gửi tiền tại các ngân hàng đang phải đối mặt với sức ép về tài chính.

Trong một bức thư gửi tới các nhân viên, Giám đốc điều hành Wells Fargo, Mary Mack nói rằng: “Chúng ta không nên tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có thể bị coi là lợi dụng tình hình hiện tại để gây bất lợi cho người khác”.

Bà Mỹ Janet Yellen cho biết, có thể áp dụng lại các động thái khẩn cấp liên bang - đã được dùng để hỗ trợ các khách hàng gửi tiền ở SVB và Signature Bank - trong tương lai nếu cần thiết.

Theo CNBC, đây có thể coi là sự thay đổi đáng kể so với tuyên bố trước đó, được chính bà Yellen đưa ra trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ. Tại thời điểm đó, giá cổ phiếu của nhóm ngân hàng địa phương đã giảm mạnh sau khi bà Yellen cho biết Bộ Tài chính Mỹ chưa cân nhắc kế hoạch bảo hiểm cho tất cả tiền gửi ở các ngân hàng tại Mỹ mà chưa có sự đồng thuận của Quốc hội.

Kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái

Theo tỷ phú Nelson Peltz, đồng sáng lập của Trian Fund Management, việc khách hàng rút tiền từ các ngân hàng nhỏ hơn và gửi số tiền đó vào một số ngân hàng lớn tại Phố Wall là một điều rất nguy hiểm. Nếu tình hình không sớm được kiểm soát, nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn.

Financial Times dự báo cú sốc này sẽ khiến các ngân hàng khu vực, từng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự bùng nổ của các doanh nghiệp nhỏ sau đại dịch, bị hạn chế hơn nhiều về khả năng và mức độ sẵn sàng cho vay. Các ngân hàng sẽ có xu hướng thận trọng hơn, tìm cách giữ nhiều tiền mặt hơn như một biện pháp phòng vệ, bất kể sự ổn định của tiền gửi, hay khả năng tiếp cận thanh khoản từ Fed.

Lĩnh vực bất động sản vốn đang gặp khó khăn do các đợt tăng lãi suất của Fed, được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức hơn các lĩnh vực khác bởi tại Mỹ, các ngân hàng khu vực đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cho vay đối với các dự án bất động sản thương mại.

Theo dữ liệu của Fed, các ngân hàng nằm ngoài nhóm 25 ngân hàng có giá trị tài sản lớn nhất nước Mỹ, hiện chỉ chiếm gần 40% tổng số khoản cho vay của toàn ngành. Tuy nhiên, nhóm này lại chiếm khoảng 2/3 khoản cho vay bất động sản thương mại, trong đó bao gồm 70% số khoản vay xây dựng và phát triển đất đai, hơn 90% khoản vay được đảm bảo bằng đất nông nghiệp.

Đối với nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ảnh hưởng của các ngân hàng khu vực là rất quan trọng. Theo một cuộc khảo sát các ngân hàng do Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang thực hiện trong các năm 2016 và 2017, gần 80% các ngân hàng có tài sản dưới 10 tỷ USD cho biết, phần lớn các khoản vay thương mại và công nghiệp của họ là dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Torsten Slok, Kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, một công ty cổ phần tư nhân, cũng cảnh báo người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nếu đột nhiên việc vay mua ô tô, vay tiêu dùng, thế chấp bất động sản thương mại trở nên khó khăn hơn nhiều chỉ vì các ngân hàng khu vực có xu hướng thận trọng hơn, nhiều người tiêu dùng sẽ đối mặt với rủi ro, không thể có đủ nguồn tài chính để mua thứ mình cần.

Do vậy, theo chuyên gia Slok, việc các ngân hàng địa phương giảm cho vay có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái từ giữa năm nay. Trước đó, khi vụ sụp đổ của SVB chưa xảy ra, bản thân ông từng kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng, bất chấp các dấu hiệu giảm tốc.

Tin bài liên quan