Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Mỹ: Tiền cứu trợ sẽ lại chảy vào thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một phần của gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD của chính phủ Mỹ cho người dân và doanh nghiệp nước này được dự báo sẽ lại chảy vào thị trường chứng khoán nước này trong thời gian tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký ban hành Dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD trong vài ngày tới (trước ngày 14/3).

Hôm thứ Bảy vừa rồi dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ 50 phiếu thuận và 49 phiếu chống.

Dự luật bao gồm các khoản thanh toán trực tiếp có giá trị lên tới 1.400 USD cho hầu hết người dân Mỹ, tăng 300 USD hàng tuần cho các khoản trợ cấp thất nghiệp vào tháng 9 và mở rộng tín dụng thuế trẻ em trong một năm.

Trong khi các nhà làm luật Mỹ cố gắng đưa gói hỗ trợ này vào thực thi một cách nhanh nhất nhằm phần nào giúp cho đời sống của người dân và gia đình Mỹ bớt khó khăn hơn do tác động tiêu cực của đại dịch, kết quả của một cuộc điều tra lại cho thấy, sẽ có một khối lượng không nhỏ số tiền cứu trợ này chảy vào thị trường chứng khoán.

Theo hãng tin CNBC, nhóm nghiên cứu của chiến lược gia Parag Thatte thuộc ngân hàng Deutsche Bank mới đây đã tiến hành khảo sát 430 nhà đầu tư cá nhân.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 50% số người trong độ tuổi 25-34 được hỏi có kế hoạch dành một nửa số tiền họ được nhận từ gói cứu trợ Covid-19 để đầu tư vào cổ phiếu.

Trong khi đó, con số này với nhóm 18-25 tuổi và 35-54 tuổi lần lượt là 40% và 37%. Nhóm người trên 55 tuổi có tỷ lệ thấp nhất là 16%.

Từ kết quả nghiên cứu này, chiến lược gia Parag Thatte dự báo có thể có khoảng 170 tỷ USD trong gói hỗ trợ nói trên của chính phủ Mỹ sẽ đổ vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Bởi có tới 72% số người được hỏi cho biết trước đó họ đã nhận được tiền cứu trợ của chính phủ, trong khi 53% nói rằng họ đã đầu tư vào chứng khoán.

Làn sóng nhà đầu tư cá nhân mới được cho là nguyên nhân chính giúp các chỉ số chứng khoán của Mỹ liên tục lập được những đỉnh cao mới trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 bất chấp đại dịch.

Trong số 430 người được hỏi trong cuộc khảo sát nói trên, khoảng 45% cho biết đây là lần đầu họ mua cổ phiếu.

Một khảo sát khác của CNBC được tiến hành với 6.100 người trưởng thành trong khoảng thời gian từ 1/1/2021 tới 8/2/2021 cho thấy, đã có tới 10 triệu nhà đầu tư mới mở tài khoản giao dịch chứng khoán trong năm 2020 và khoảng 10% dân số Mỹ lần đầu tiên đầu tư vào cổ phiếu.

Khảo sát cũng cho thấy 22% số người thuộc Gen Z - những người yêu thích công nghệ - được hỏi cho biết họ đã mở tài khoản chứng khoán trong năm 2020. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các nhóm được khảo sát. Tiếp theo là nhóm người ở độ tuổi 25-34, với 17% số người được hỏi cho biết 2020 là năm đầu tiên họ đầu tư vào chứng khoán.

“Đằng sau sự bùng nổ của thị trường chứng khoán là làn sóng gia nhập của những nhà đầu tư trẻ, họ mới tham gia thị trường nên rất năng nổ, thậm chí còn mạnh dạn sử dụng đòn bẩy tài chính”, ông Jim Reid, chiến lược gia Deutsche Bank nói.

Nghiên cứu của CNBC cũng cho thấy những tấm séc cứu trợ của chính phủ Mỹ trước đó cũng đã được đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ. Có tới 53% người được hỏi trong cuộc điều tra này cho biết họ đã sử dụng một phần số tiền cứu trợ trước đó để đầu tư vào cổ phiếu.

Trong khi đó, những người được điều tra cho biết họ sẽ dùng 37% giá trị của bất kỳ một tấm séc cứu trợ nào của Chính phủ trong thời gian tới cho việc đầu tư vào cổ phiếu. “Đây sẽ là một dòng tiền lớn”, Deutsche Bank nhận định.

Tin bài liên quan