Mái vòm nổi tiếng của Tòa nhà Quốc hội Mỹ, nơi các nhà lập pháp lưỡng đảng cùng đàm phán về một dự luật "giải cứu" chính phủ

Mái vòm nổi tiếng của Tòa nhà Quốc hội Mỹ, nơi các nhà lập pháp lưỡng đảng cùng đàm phán về một dự luật "giải cứu" chính phủ

Mỹ thoát cảnh vỡ nợ, chính phủ sẽ hoạt động lại

Các lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Thượng viện Mỹ vừa đạt được một thỏa thuận để chấm dứt việc chính phủ dừng hoạt động một phần và nâng trần nợ công.

Dự luật mà các nhà lập pháp lưỡng đảng đề xuất cần được thông qua bởi Hạ viện, nơi mà một nhóm nhỏ các dân biểu Cộng hòa được hy vọng sẽ cùng những người của đảng Dân chủ gửi dự luật tới Tổng thống Barack Obama.

 

Theo BBC, dự luật sẽ nới giới hạn nợ liên bang cho tới ngày 7/2/2014 và cấp tiền cho chính phủ hoạt động tới ngày 15/1/2014.

 

Diễn biến này đã đến chỉ một ngày trước thời hạn chót phải nâng mức trần nợ công 16,7 nghìn tỷ USD của nước Mỹ.

 

Từ Thượng viện, lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ, Harry Reid gọi thỏa thuận đạt được kể trên là một diễn biến lịch sử. Ông cho rằng nó sẽ cho Quốc hội thêm thời gian để cùng làm việc nhằm hướng tới một thỏa thuận ngân sách lâu dài.

 

"Đất nước của chúng ta đã thoát khỏi bờ vực của thảm họa", Reid nói.

 

Lãnh đạo phe thiểu số của đảng Cộng hòa ở Thượng viện, Mitch McConnell cho biết ông tin tưởng rằng chính phủ sẽ hoạt động trở lại và tránh được cảnh vỡ nợ nhờ có dự luật nói trên. McConnell là đại diện đảng Cộng hòa đàm phán với Thượng nghị sĩ Reid.

 

"Giờ là lúc để những thành viên của đảng Cộng hòa đoàn kết lại vì những mục tiêu quan trọng khác", McConnell nói.

 

Thượng nghị sĩ John McCain, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2008, được New York Times dẫn lời: "Các thành viên đảng Cộng hòa phải hiểu rằng chúng ta vừa thua trong cuộc chiến này, như tôi đã dự đoán vài tuần trước, rằng chúng ta sẽ không thể thắng vì chúng ta đã yêu cầu điều mà không thể có được".

 

Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động từ ngày 1/10 sau khi Thượng viện và Hạ viện không thể thống nhất về ngân sách cho các cơ quan của chính phủ. Tình trạng này đã diễn ra 17 lần kể từ năm 1977, trong đó thời gian ngắn nhất là một ngày và dài nhất là 21 ngày.

 

Ngoài cảnh phải đóng cửa một phần, chính phủ Mỹ còn đối mặt với nguy cơ vỡ nợ nếu như một dự luật khẩn cấp không được thông qua trước 17/10. Bộ Tài chính Mỹ sẽ chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, trong khi các khoản phải chi là gấp đôi. Chính phủ Mỹ sẽ chính thức hết sạch tiền vào khoảng 22/10 - 1/11, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Hạ viện và Trung tâm chính sách lưỡng đảng.