Cơn địa chấn mới?
Có một điều dễ nhận thấy, thị trường chứng khoán Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác trên toàn cầu, đang trong trạng thái chịu áp lực điều chỉnh lớn, khi đã trải qua đà tăng dài và vừa đón nhận hàng loạt thông tin kinh tế - chính trị có ảnh hưởng tiêu cực.
Chỉ số S&P 500 vừa có một tuần tăng điểm
Trong tuần này, dù sự căng thẳng giữa mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung, với mối lo ngại về cuộc chiến tranh kinh tế gia tăng, nhưng chỉ số S&P 500 vẫn xoay sở tốt để kết thúc phiên cuối tuần với mức tăng 2% so với đầu tuần. Tuy nhiên, đây liệu có phải là khoảng nghỉ trước cơn giông bão?
9h tối thứ Sáu ngày 13/4 theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố việc đã tấn công các địa điểm được cho là cơ sở vũ khí hóa học của chính phủ Syria, cùng với sự phối hợp của Anh và Pháp.
Ông Trump phát biểu với truyền thông về việc quyết định tấn công các địa điểm được xem là cơ sở hóa học của Syria
Động thái này diễn ra ngay sau khi ông Trump có những dòng tweet cảnh báo việc Mỹ sẽ tấn công Syria, dẫn tới thị trường chứng khoán đi xuống vào ngày thứ Tư (11/4). Cụ thể, chỉ số Dow Hones trung bình các ngành công nghiệp giảm 220 điểm, tương đương 0,9%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,6%.
Chris Zaccarelli, giám đốc đầu tư tại Independent Advisor Alliance nhận định: “Tâm lý thị trường đang chuyển từ lạc quan quá đà năm 2017 sang bi quan thái quá năm 2018. Nếu như năm ngoái, mọi thông tin xấu được tiếp nhận nhưng nhanh chóng bị rũ bỏ thì năm nay, các tin tiêu cực trở thành đợt bán tháo, trong khi các thông tin tích cực chỉ cung cấp động lực tăng nhỏ, ngắn hạn hoặc hoàn toàn bị phớt lờ”.
Đây cũng chính là lý do khiến xung đột tại Syria có thể trở thành cơn địa chấn mới trên thị trường chứng khoán.
Không đáng lo ngại
Ở một góc nhìn khác, vụ việc Mỹ tấn công Syria có thể không tác động quá mạnh tới thị trường như những gì nhiều người lo ngại.
Thị trường chứng khoán luôn có xu hướng phản ứng tiêu cực trước thông tin về những xung đột chính trị. Tuy nhiên, các dữ liệu lịch sử đang chứng minh, có những sự kiện không ảnh hưởng quá lớn.
Jefrey Kleintop, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư toàn cầu của Charles Schwab & Co cho biết: “Các tổn thất về con người và tinh thần là không thể đo đếm, tuy nhiên, dữ liệu lịch sử 25 năm qua cho chúng ta thấy, tác động của các vụ tấn công tên lửa tới thị trường chứng khoán Mỹ là rất nhỏ và không kéo dài”.
Đi kèm với nhận định này, ông công bố bảng thống kê các sự kiện Mỹ từng tiến hành tấn công tên lửa vào nhiều địa điểm ở các quốc gia khác nhau trong 25 năm qua, với diễn biến cho thấy, ngày đầu tiên thị trường giao dịch sau thông tin trên, thị trường chứng khoán toàn cầu thường giảm, với tỷ lệ khoảng 58%, tuy nhiên mức giảm trung bình chỉ khoảng 0,2% và thường chỉ diễn ra trong một phiên.
Trong giai đoạn 5 ngày tiếp theo cuộc tấn công, thị trường chứng khoán thường giảm trung bình 0,3%.
Thống kê diễn biến thị trường sau các vụ tấn công tên lửa của Mỹ
Việc tấn công tên lửa, đặc biệt là khi không đại diện cho việc bắt đầu một cuộc chiến, chỉ có những tác động nhỏ về tâm lý, không hề ảnh hưởng tới các yếu tố nền tảng kinh tế của Mỹ cũng như thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh này, Michael O’Rourke, chiến lược gia trưởng tại JonesTrading khuyến nghị: “Nếu bạn là nhà đầu tư dài hạn, bạn rõ ràng không nên bán ra vì những lý do như thế này. Nếu bạn là nhà giao dịch hoặc tham gia quỹ đầu cơ, bạn nên cân nhắc thêm các biện pháp phòng hộ và bảo vệ rủi ro trong ngắn hạn”.