Mỹ đã hợp tác với G7, Liên minh châu Âu (EU) và Úc thông qua việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, như một phần trong các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các quốc gia khác đã đưa ra kể từ khi xung đột Nga-Ukraine leo thang. Các quốc gia cũng đã đồng ý thiết lập một mức giá trần đối với dầu của Nga để duy trì dòng chảy dầu Nga trên thị trường, ngăn chặn sự tăng giá toàn cầu có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng trên toàn cầu, đồng thời hạn chế doanh thu của Nga.
Các hướng dẫn chi tiết của Mỹ cũng phù hợp với những hướng dẫn mà Anh đã công bố gần đây. Anh sẽ ngăn các quốc gia sử dụng dịch vụ của mình để vận chuyển dầu của Nga trừ khi dầu đó được mua bằng hoặc thấp hơn mức trần giá do liên minh giới hạn giá dầu của G7, EU, Mỹ và Úc đặt ra.
Hầu hết dầu của Nga đều sử dụng dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm của phương Tây. Mỹ kỳ vọng sẽ cung cấp dịch vụ giao dịch dầu của Nga liền mạch hơn cho người mua và người tham gia để tránh các vấn đề tuân thủ các quy tắc khác nhau ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Miễn là dầu của Nga được mua ở mức giá trần hoặc thấp hơn, những vấn đề về giao dịch, tài chính, vận chuyển, bảo hiểm và môi giới hải quan đều sẽ được bảo vệ và không bị coi là vi phạm lệnh trừng phạt. Theo quan chức Bộ Tài chính, lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga và các hướng dẫn mới sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.
Quan chức này cho biết, trần giá sẽ là một mức giá thực tế chứ không phải trong một phạm vi và dự kiến sẽ được thiết lập hàng quý hoặc sáu tháng một lần. Mặc dù giá thực tế sẽ sớm được ấn định, nhưng mức trần giá dự kiến sẽ cao hơn chi phí sản xuất và sẽ xem xét tình trạng của thị trường dầu mỏ cũng như số tiền mà Nga đã kiếm được trước đó từ doanh thu từ dầu mỏ. Chi phí sản xuất dầu tại các khu vực khác nhau cũng sẽ khác nhau ở Nga. IMF ước tính giá hòa vốn toàn chi phí cho sản xuất dầu của Nga là gần 30 đến 40 USD/thùng.
Trần giá dự kiến sẽ được đưa ra trong những ngày tới khi EU tham khảo ý kiến của 27 quốc gia thành viên và sau đó là với Mỹ và Anh.
Trên toàn cầu, giá dầu đã giảm mạnh vào nửa cuối năm 2022. Dầu thô WTI đã giảm hơn 30% từ mức trên 120 USD/thùng vào đầu tháng 6 xuống còn khoảng 81 USD/thùng vào ngày 22/11. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến sản lượng dầu của Nga sẽ giảm xuống khoảng 1,4 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Trong khi đó, việc áp trần giá cũng sẽ giữ nguyên các biện pháp trừng phạt của EU nhưng cho phép các nước sử dụng các dịch vụ cần thiết của phương Tây để giao dịch nếu giá dầu ở dưới một mức nhất định, do đó giữ cho dầu của Nga vẫn tiếp tục lưu thông trên thị trường. Các quan chức Bộ Tài chính xem trần giá như một loại van của các biện pháp trừng phạt, nếu không sẽ cấm việc buôn bán dầu của Nga trên toàn thế giới khi sử dụng các dịch vụ của Châu Âu hoặc Anh.