Trong khi đó, phía Bộ Thương mại Mỹ cho biết vấn đề vẫn đang trong quá trình thảo luận. "Chúng tông đang tiếp tục làm việc với ZTE," phát ngôn viên của Bộ Thương mại cho biết. Ông từ chối bình luận về nguyên nhân chậm trễ.
Tuy nhiên, dựa trên các chi tiết gần đây, khả năng cao ZTE sẽ được xóa bỏ lệnh cấm sau các động thái hợp tác của công ty với chính quyền Trump.
Để đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ đưa ra trước đó, công ty viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc đã "thay máu" toàn bộ lãnh đạo bộ máy, cũng như bắt đầu nộp khoản tiền 1 tỷ USD và ký quỹ 400 triệu USD vào một ngân hàng bên thứ ba. Trong trường hợp ZTE vi phạm, Mỹ có quyền lấy số tiền ký quỹ này.
Hôm qua 29/6, Chủ tịch ZTE Yin Yimin đã từ chức từ chức, thay vào đó là Li Zixue. Hội đồng quản trị mới được thành lập gồm 8 thành viên, đứng đầu là Yimin và Gu Junying.
Thể theo yêu cầu từ phía Mỹ, bộ máy lãnh đạo mới còn có thêm ba giám đốc làm nhiệm vụ giám sát gồm Li Buqing, Zhu Weimin và Fang Rong, cũng như ba giám đốc điều hành độc lập Cai Manli, Yuming Bao và Gordon Ng. Đa phần các lãnh đạo chủ chốt của ZTE cũng được thay mới.
Trước đó, ZTE cũng đã rất hợp tác với Mỹ sau lệnh cấm, bằng cách ngừng hoạt động kinh doanh từ hôm 10/5, đồng thời có các vận động hành lang. Cuối tháng 4, chính quyền Tổng thống Trump đã ngăn công ty Mỹ bán các thiết bị hoặc cung cấp dịch vụ cho ZTE đến 2025.
Lệnh cấm được đưa ra sau khi Washington cho biết ZTE đã vi phạm một thỏa thuận hồi năm ngoái, trong đó ZTE đồng ý trả 1,2 tỷ USD tiền vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ về vấn đề Iran và Triều Tiên.
CNN nhận định, tình hình của ZTE hiện nay là biểu hiện rõ ràng nhất về hậu quả của một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra.
Hiện chính quyền Trump đe dọa sẽ áp đặt thêm thuế nhập khẩu 200 tỷ USD lên hàng hoá của Trung Quốc sau khi đã đưa ra mức 50 tỷ USD trước đó.