Đây là thông tin được Cục Quản lý thị trường đưa ra tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9-4 tại Hà Nội.
Theo ông Trần Đức Vĩnh- Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) - Bộ Công an cho biết, năm 2014 toàn quốc đã phát hiện 665 vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó khởi tố 120 vụ, 196 bị can. So với năm 2013, số vụ phát hiện tăng 130 vụ.
Ngoài ra, đơn vị đã tiếp nhận, cũng như phối hợp với các lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường… xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng. Trong đó, đơn vị đã phối hợp xử lý một số cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả; thực phẩm chức năng giả…
Tuy nhiên, trên thực tế, khái niệm về hàng giả được định nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật còn có sự khác biệt, chưa đầy đủ gây khó khăn chó các lực lượng trong quá trình xử lý vụ việc; phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng giả còn thiếu và yếu, đặc biệt là phương tiện giám định, phân biệt hàng thật, hàng giả…
Hàng giả xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng như: mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, mũ bảo hiểm, rượu- bia- nước giải khát, và cả đến "tem chống hàng giả" cũng bị làm giả … gây nhức nhối cho xã hội, khiến người dân hoang mang, ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp, làm thất thu thuế của Nhà nước.
Trong thời kỳ hội nhập, tình trạng này làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Lý giải một số nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, một số nguyên nhân dẫn đến hàng giả được bày bán tràn lan tại các trung tâm thành phố lớn, cũng như lưu thông trên thị trường. Việc ngăn chặn, xử lý của lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt.
Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chưa phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng từ địa phương đến trung ương để ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh hàng giả; các văn bản dưới Luật chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa kịp thời.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Trọng Tín cho biết, năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tiến hành kiểm tra trên 21.000 cuộc, trực tiếp phát hiện xử lý trên 17.000 vụ vi phạm, phạt tiền trên 57 tỷ đồng.
Nhóm mặt hàng bị làm giả gồm có: Rượu, bia, nước giải khát, bột ngọt, mỹ phẩm, vải may mặc, quần áo, phân bón, vật tư nông nghiệp… Hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu bị làm giả về kiểu dáng, chỉ dẫn địa lý, tem, nhãn mác, bao bì…
Ông Nguyễn Trọng Tín cho rằng, vấn nạn hàng giả đang trở thành thách thức đối với dư luận xã hội, lực lượng chức năng. Nhiệm vụ này không thể thực hiện trong “một sớm, một chiều” mà phải có quá trình đấu tranh lâu dài. Trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới, thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính không thể tách rời công tác đấu tranh chống hàng giả.
Tại buổi đối thoại, đại diện các cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều lời khuyên đối với người dân, doanh nghiệp, cũng như cơ quan chức năng trong việc đẩy lùi vấn nạn hàng giả. Để đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bên cạnh lực lượng chức năng, cần có góp sức của doanh nghiệp, sự chung tay của toàn xã hội.
Do vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, lực lượng chức năng các địa phương đóng vai trò quan trọng. Trong đó, ở các tuyến biên giới, lực lượng biên phòng, hải quan và cảnh sát biển giữ vai trò trọng yếu; trong nội địa, lực lượng QLTT, cảnh sát và thuế phải tiên phong. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp cũng cần tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến chống này, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh, an toàn.