Trần Mai Hương là đồng sáng lập nên Coco Sin.
Có thể hiếm xuất hiện trên mặt báo nhưng Trần Mai Hương là cái tên không xa lạ trong làng thời trang Việt. Cô là người đồng sáng lập Coco Sin, thương hiệu thời trang nhanh (fast-fashion) đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2012, thời điểm những thương hiệu fast-fashion nổi tiếng thế giới Zara, H&M, TopShop vẫn chưa đổ độ vào.
Đây là một trong những thương hiệu đầu tiên của Việt Nam có khả năng giới thiệu bộ sưu tập với trên 30 thiết kế mỗi tháng và liên tục đổi mới nhờ quy trình thiết kế - sản xuất - bán lẻ khép kín không qua trung gian. Vì vậy, chưa đầy 3 năm, CocoSin trở thành một thương hiệu yêu thích của giới trẻ Việt và là một trong những nhà bán hàng có doanh số cao nhất trên Zalora vào năm 2015.
Trong thời gian điều hành, Mai Hương được tổng giám đốc Zalora mời tư vấn thiết kế và triển khai showroom đầu tiên của Zalora ở Bitexco, cũng là cửa hàng “click and mortar” đầu tiên tại Việt Nam.
"Đây là một dự án fashion-tech đầu tiên đánh dấu sự chuyển mình của fashion e-commerce mà tôi tâm đắc. Thiết kế một không gian mua sắm tích hợp công nghệ rất khác với cửa hàng bán lẻ bình thường.
Cửa hàng vừa phải đảm bảo bắt mắt và tạo được không khí mua sắm, vừa phải mang tính hướng dẫn và khuyến khích khách hàng khám phá, tương tác với công nghệ. Để làm được điều này cần sự kết hợp tinh tế giữa phối cảnh, âm nhạc, hình ảnh và cách bố trí các thiết bị công nghệ", Hương chia sẻ.
Zalora showroom là một thành công nổi bật của Zalora năm 2015, mang về một lượng lớn tương tác và doanh số. Trong khi đó, cho đến nay, Coco Sin vẫn phát triển tốt với 5 cửa hàng trước áp lực của “bão” thời trang nhanh từ nước ngoài.
Sau startup về thời trang, Mai Hương lại bắt tay vào một startup mới về thủ công mỹ nghệ cũng đầy tính tiên phong.
"Tôi có cảm hứng đặc biệt với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt, nhưng khi tìm hiểu thì thấy rằng hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam luôn gắn liền với những cụm từ như mẫu mã đơn điệu, hàng gia công. Tôi thấy mình cần thay đổi điều này, cần phải làm một cái gì đó".
Thông qua một người bạn có gia đình sản xuất các sản phẩm đan lát từ cói và lục bình, Hương tìm đến làng nghề Thanh Hoá và bắt đầu dự án “Fiber”.
Làng nghề nơi đây hình thành từ những năm 1970 và các sản phẩm đã được xuất khẩu sang Nga ngay từ thời điểm đó. Những khách hàng nước ngoài đều công nhận tay nghề thợ cao, các sản phẩm có chất lượng tốt, độ bền cao và kỹ thuật tinh vi.
Nhưng, làng nghề đan lát cói, lục bình vẫn tiếp tục lặp lại câu chuyện hàng thủ công mỹ nghệ của cả nước, là gia công theo mẫu mã có sẵn, làm hàng giá rẻ với suy nghĩ lấy công làm lời.
Với tư duy kinh doanh hiện đại, Hương xác định phải nghiên cứu thị hiếu của khách hàng, cung cấp cái thị trường cần, chứ ko dừng ở việc cung cấp cái mình có như trước đây.
Startup Fiber của Hương mang về nửa triệu USD xuất khẩu mỗi năm.
Fiber được Hương định hình không phải là xưởng gia công hàng loạt với số lượng lớn, mà là một doanh nghiệp sản xuất nhỏ tinh gọn, với thế mạnh là sáng tạo, đánh chủ yếu vào những khách hàng (nhà bán lẻ) có gu thẩm mỹ, chuyên các sản phẩm về phong cách sống, các sản phẩm theo bộ sưu tập.
Với hướng đi riêng, các sản phẩm của Fiber hiện đã có 27 khách hàng nhập khẩu thường xuyên từ Mỹ, Anh, Đức, Australia, New Zealand, Nhật Bản và châu Âu. Lượng đơn hàng đều đặn mang đến nguồn thu ổn định cho hơn 30 thợ toàn thời gian, và 500 hộ gia đình ở Thanh Hoá. Giai đoạn 2016 – 2017, tăng trưởng nhân công đạt 30%. Doanh thu xuất khẩu một năm gần nửa triệu USD với khoảng 40 đơn hàng.
Sau thời gian Coco Sin đã ổn định, Hương rời công ty và đến sinh sống tại New York để hoàn thành bằng Thạc sĩ ngành bán lẻ thời trang. Nhận thấy nơi đây là đầu não của thế giới về bán lẻ, cô cùng một người bạn sáng lập 8870 Link.
Về cơ bản, đây là công ty tư vấn, kết nối những nhà xuất khẩu sang thị trường Mỹ và ngược lại, giúp các doanh nghiệp Mỹ thăm dò và phát triển tại thị trường Việt Nam.
Hiện tại, startup này đang đại diện Xinova - một công ty sáng chế công nghệ và innovations có văn phòng tại 7 nước – để thăm dò về nhu cầu giải pháp R&D tại Việt Nam.
Hương cho biết, thời gian đầu, dự án sẽ ưu tiên kết nối các sản phẩm thời trang may mặc, thủ công mỹ nghệ và các nhà máy cà phê, là những sản phẩm Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, và chất lượng dẫn đầu trong khu vực châu Á.
“Mục tiêu sắp tới của Hương là hỗ trợ các sản phẩm khác từ Việt Nam có cơ hội xuất khẩu sang Mỹ, và kết nối các nhà đầu tư Mỹ về Việt Nam, một thị trường sôi động với mức tăng trưởng cao nhất châu Á", cô chia sẻ kế hoạch của mình trong 2 năm tới.