Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến gần hơn tới việc cho phép nhà đầu tư cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động của các quỹ đầu tư vốn tư nhân thông qua các tài khoản lương hưu của mình.
Bộ trưởng Bộ Lao động Mỹ Eugene Scalia cuối tuần trước cho biết, mục tiêu của chính sách này là nhằm đảm bảo mọi người đều có thể đầu tư khoản lương hưu một cách hợp lý, an toàn khi về hưu.
Thông thường, quỹ đầu tư vốn tư nhân (đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân, chưa niêm yết) nằm ngoài tầm với của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Cho tới nay, nhà đầu tư cá nhân chỉ có thể tiếp cận với loại hình quỹ đầu tư này thông qua quỹ hưu trí tư nhân 401(k) (còn có tên gọi là 401(k) Plan, 401k Savings Plan, 401k Retirement Plan) - hình thức thịnh hành tại các nền kinh tế phát triển.
Theo đó, chủ lao động sẽ trích một phần tiền lương hàng tháng vào tài khoản 401(k) của cá nhân người lao động theo tỷ lệ nhất định (đã được định trước và có giới hạn tối đa), cùng với số tiền do bản thân người lao động tự nguyện đóng vào tài khoản này của mình.
Chủ lao động có trách nhiệm mở tài khoản 401(k) cho từng người lao động tham gia chương trình này tại một công ty đầu tư tín thác (Investment Trustee), chẳng hạn Fidelity Investments, TIAA-CREF, Charles Schwab Corporation, Vanguard Group Inc - là nơi cung cấp các dịch vụ quản lý và đầu tư cho các tài khoản hưu trí cá nhân.
Nhà quản lý quỹ sẽ tích góp hoặc đầu tư sinh lợi (vào chứng khoán, trái phiếu, quỹ tương hỗ…) từ số tiền hưu trí này tùy theo nguyện vọng của nhân viên. Như vậy, quyền quyết định có góp vốn vào quỹ đầu tư vốn tư nhân hay không thuộc về các nhà quản lý quỹ 401(k).
Việc đầu tư thông qua quỹ 401(k) tạo thêm lớp bảo vệ đối với khoản tiền hưu của nhiều công dân, nhưng cũng là rào chắn khi tính hiệu quả thấp hơn, hoặc không phù hợp với khẩu vị ưa chuộng rủi ro của nhà đầu tư.
Trong khi đó, nguồn tiền tại các quỹ 401(k) là rất dồi dào. Báo cáo năm 2019 của Fidelity cho thấy, hơn một nửa tài sản đầu tư của các cá nhân nằm tại các quỹ 401(k), so với tỷ lệ chỉ 16% cách đây một thập kỷ.
Ðiều này dẫn tới những tranh cãi trong ngành công nghiệp tài chính, khi một số ý kiến cho rằng, tại sao nhà đầu tư nhỏ lẻ lại không thể trực tiếp sử dụng tài khoản lương hưu của mình để rót vốn vào các quỹ đầu tư vốn tư nhân, nhất là khi ngày càng có nhiều công ty được đánh giá cao không lên sàn giao dịch, chẳng hạn Airbnb?
Hiện tại, chính quyền của Tổng thống Trump đang muốn thay đổi điều này, nhưng câu hỏi về tính hiệu quả vẫn được đặt ra.
Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế Eileen Appelbaum (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách) và Rosemary Batt (giáo sư Ðại học Cornell), hiệu suất đầu tư trung bình của các quỹ đầu tư vốn tư nhân chỉ tương đương với bước tăng của thị trường chứng khoán kể từ năm 2006 cho tới nay.
Với việc ngày càng nhiều quỹ đầu tư xuất hiện và môi trường đầu tư khắc nghiệt hơn, thị trường này gia tăng tính cạnh tranh và nhiều quỹ đầu tư vốn tư nhân đang trả giá quá cao cho cổ phần tại các doanh nghiệp chưa niêm yết. Theo đó, hiệu suất đầu tư khó có thể vượt trội.
Một vấn đề đáng chú ý khác là việc quỹ đầu tư vốn tư nhân thường thu phí quản lý khoảng 2%/năm tổng vốn đã góp và phí hiệu suất hoạt động (khi quỹ đầu tư mang lại lợi nhuận) là 20%.
Số phí này, cộng với khoản phải trả cho quỹ 401(k) sẽ tạo nên áp lực lớn đối với khoản đầu tư của các cá nhân, làm xói mòn lợi nhuận.
Thêm vào đó, quỹ đầu tư vốn tư nhân thường có điều khoản “giữ vốn” trong một khoảng thời gian nhất định, ít nhất là vài năm và nhà đầu tư không thể rút tiền ra khỏi quỹ trước thời hạn.
Ðiều này khiến tính thanh khoản của khoản đầu tư thấp hơn, tạo rủi ro khi các thị trường tài chính biến động nhanh và mạnh.
Dù vậy, theo các thành viên thị trường, chỉ là vấn đề thời gian trước khi nhà đầu tư có thể trực tiếp đầu tư vào quỹ đầu tư vốn tư nhân từ tài khoản hưu của mình. Khi đó, nguồn tiền dồi dào này sẽ tạo nên những thay đổi lớn đối với các thị trường tài chính.