Chi tiêu quốc phòng trong năm 2014
SIPRI vừa công bố Báo cáo thường niên về mức chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng trên toàn cầu (đã tính tới ảnh hưởng của lạm phát).
Theo đó, mức chi tiêu của Trung Quốc trong năm 2014 tăng 9,7% so với năm trước đó, Nga cũng tăng thêm 8,1%. Ả Rập Xê út là nước mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng nhất trong top 15 quốc gia đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực này, khi tăng thêm 17%.
Trong khi đó, ngược lại với các cường quốc trên, Mỹ tuy vẫn duy trì vị trí là một trong những nước có chi tiêu quốc phòng lớn trên thế giới, nhưng trong năm 2014, khoản chi này đã giảm 6,5%, xuống mức 610 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, những con số trên làm nổi bật thêm sự rối loạn của thế giới trong năm 2014: tháng 3/2014, Nga sáp nhập Crimea, mở ra cuộc xung đột với Ukraine, sự căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ trên biển của Trung Quốc. Ả Rập Xê út đã tiến hành các chiến dịch không kích vào Syria, đồng thời tham gia vào lực lượng liên quân chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng do Mỹ dẫn đầu và hiện tại đang tiến hành không kích tại Yemen nhằm chống lại lưc lượng nổi dậy tại đây.
SIPRI cho biết, báo cáo trên chưa phản ánh hết sự tụt dốc mạnh mẽ của giá dầu cuối năm 2014, và cũng không thể hiện rõ ảnh hưởng của vấn đề này tới các số liệu. Tuy nhiên, rất nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ tại Trung Đông như Ả Rập Xê út được dự đoán sẽ vẫn đứng vững trước tình trạng giá dầu giảm mạnh nhờ vào nguồn dự trữ tài chính dồi dào.
Nga sẽ hạn chế chi tiêu
Trong năm 2015, Nga buộc phải cắt giảm chi tiêu quân sự do nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây và giá dầu giảm.
Nhóm thực hiện báo cáo trên cho biết, ngân sách ban đầu của Nga cho lĩnh vực quốc phòng trong năm 2015 là 4,2 nghìn tỷ ruble (69 tỷ USD), tuy nhiên, trong tháng 3/2015, Moscow buộc phải cắt giảm khoảng 5% ngân sách này.
Mặc dù vậy, Nga có lẽ vẫn sẽ nằm trong danh sách các nước mạnh tay chi tiêu cho quốc phòng trong báo cáo năm 2015. Nhóm nghiên cứu tại SIPRI cho rằng, mặc dù đang phải điều chỉnh giảm, nhưng tính cho cả năm 2015, Nga vẫn sẽ tăng khoảng 15% tiêu dùng cho lĩnh vực quốc phòng, ở vào khoảng 4 nghìn tỷ ruble.
Ngược lại với Nga, NATO có vẻ sẽ không thể đạt được mục tiêu tăng mức chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP của khối trong năm 2015. Phần lớn các quốc gia phương Tây và các nước ở trung tâm châu Âu sẽ có xu hướng giảm chi tiêu cho lĩnh vực quân sự, đồng thời tiếp tục chính sách thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó, các nước vùng Baltic, Bắc Âu và các nước phía đông châu Âu có đường biên giới với Nga lại sẽ tăng ngân sách cho quốc phòng nhằm tránh sự đe dọa từ Nga.
SIPRI cho rằng, chi tiêu quân sự của Trung Quốc vẫn sẽ duy trì ở mức ổn định với tốc độ tăng trưởng kinh tế, giữ mức chi tiêu ở khoảng 2 tới 2,25 GDP trong 1 thập kỷ tới. Các chuyên gia tại SIPRI ước tính Trung Quốc sẽ dành khoảng 808,2 tỷ nhân dân tệ (130,2 tỷ USD) cho lĩnh vực quốc phòng trong năm 2015.