Mỹ nên học Đức về cách giải quyết việc làm

Mỹ nên học Đức về cách giải quyết việc làm

(ĐTCK) 5 năm sau khi khủng hoảng tài chính, Mỹ và Eurozone vẫn đau đầu với vấn đề tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng kinh tế chậm. Tình trạng thất nghiệp dài hạn vẫn là một vấn đề chính trị và xã hội lớn của Mỹ, trong khi tỷ lệ này ở Eurozone là 11,6%.

Đối đầu với vấn đề này, Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã gia tăng bảng cân đối của mình lên gấp 5 lần so với mức cuối năm 2008, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa quyết định trong tháng 6 hạ lãi suất tiền gửi tại Ngân hàng xuống mức âm để khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay ra nền kinh tế. Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng bật mí rằng, ông đã sẵn sàng triển khai chính sách dạng như nới lỏng định lượng của Mỹ và Nhật.

Những biện pháp tiền tệ này không thể mang lại kết quả. Chỉ những chính sách khuyến khích được các lực lượng thị trường tăng nhu cầu về lao động mới có thể thành công trong việc đưa nền kinh tế đến với trạng thái việc làm đầy đủ.

Trong quang cảnh u tối của tăng trưởng và việc làm, có một điểm sáng nằm giữa các nước phát triển, đó là nền kinh tế Đức. Và có một bài học nên học từ thành công của Đức trong việc chống lại sự đình trệ của nền kinh tế, đã bắt đầu từ 11 năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức đạt đỉnh 8,3% sau khủng hoảng tài chính 2009, thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 10% của Mỹ trong năm đó. Đặc biệt ấn tượng là tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ của Đức hiện chỉ thấp hơn 8% so với khoảng 50% ở Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Hệ thống đào tạo nghề trong doanh nghiệp dành cho sinh viên đã đảm bảo cho giới trẻ Đức có thể rời trường ra làm một cách nhẹ nhàng, giải tỏa vấn đề thất nghiệp trong nhóm tuổi quan trọng này. Còn ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp giảm bớt là nhờ tỷ lệ người tham gia vào lực lượng lao động xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978. Thậm chí, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở những nhóm tuổi quan trọng cũng giảm.

Vậy Đức đã làm thế nào và Mỹ có thể học được gì? Cội nguồn sự thay đổi của Đức bắt đầu từ năm 2003, khi Thủ tướng Gerhard Schröder khởi xướng “Kế hoạch Hartz” (Hartz là tên của Chủ nhiệm ủy ban cải cách này), gồm những biện pháp cải cách thị trường lao động. Dưới áp lực phải hành động bởi nền kinh tế trở nên ì ạch vào những năm đầu thiên niên kỷ mới và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 10% năm 2002, Đức đã thực thi những biện pháp táo bạo.

Mục tiêu của các biện pháp mới có thể tóm gọn gồm: khuyến khích tìm kiếm việc làm thay vì cung cấp những khoản trợ cấp hào phóng, điều có thể khiến người thất nghiệp không chấp nhận những vị trí việc làm nhất định; động viên giới chủ đào tạo lại người lao động để họ có đủ kỹ năng có thể đáp ứng được yêu cầu công việc cao hơn; và giảm gánh nặng an sinh xã hội cho những người sử dụng lao động. Chương trình này không kêu gọi ECB phải bơm tiền, cũng không khiến mức thâm hụt ngân sách của Đức tăng thêm nhiều.

Đến tháng 4 vừa rồi, với tình trạng việc làm được cải thiện, Đức đã lần đầu tiên công bố mức lương tối thiểu 8,5 euro/giờ, áp dụng từ năm 2015 và kèm với rất nhiều điều kiện.

Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ hay được cho là linh hoạt, nhưng thực tế không phải như vậy. Những biện pháp được tiến hành gần đây có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tạo việc làm. Đó là việc tăng lương tối thiểu ở nhiều bang khác nhau và những đòi hỏi liên quan đến chương trình “Obamacare”, một đạo luật chăm sóc sức khỏe mới.

Có 22 bang và quận Columbia đã tăng lương tối thiểu lên cao hơn mức ủy thác toàn liên bang là 7,25 USD/giờ. Thị trưởng nhiều thành phố còn đề nghị nâng mức lương tối thiểu toàn liên bang lên 10,10 USD/giờ. Hội đồng thành phố Seattle đã bỏ phiếu hồi tháng 6 về việc sẽ nâng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ, cao nhất cả nước.

Mục đích đáng khen ngợi của những động thái này là giảm sự bất bình đẳng về thu nhập thông qua tăng tiền công cho nhóm thiệt thòi nhất. Trên thực tế, việc thiếu việc làm cho lao động kỹ năng thấp có thể đẩy tình trạng thất nghiệp tăng lên ở nhóm dễ bị tổn thương này.

Luật chăm sóc sức khỏe mới yêu cầu các công ty có từ 50 nhân công trở lên hoặc sử dụng lao động toàn thời gian phải cung cấp dịch vụ y tế cho người lao động, bắt đầu từ năm 2016. Trong một nền kinh tế thị trường, người sử dụng lao động dĩ nhiên có thể lách quy định này bằng cách thuê ít công nhân hơn hoặc chỉ sử dụng lao động bán thời gian. Cả hai trường hợp đều không giúp đạt được các mục tiêu về phân phối thu nhập.

Bài học rút ra từ hai trường hợp đối lập, với một bên là Đức và bên kia là Mỹ và phần còn lại của Eurozone, là không có cách giải quyết ngắn hạn cho vấn đề thất nghiệp. Công cuộc tạo việc làm đòi hỏi phải có những cải cách cứng rắn về mặt chính trị đối với thị trường lao động, chứ không chỉ là ném thêm tiền vào vấn đề đó.

Tin bài liên quan