Cơ hội gia tăng xuất khẩu
Hiện nay, các sản phẩm trong danh sách bị nâng thuế trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc bao gồm sản phẩm điện tử (25%), thiết bị máy móc (19%), đồ gia dụng (15%), xe cộ (6%), sắt thép (4%), da giày (4%), chế phẩm nhựa (3%), sản phẩm hóa hữu cơ (2%), chế phẩm cao su (2%) và các loại khác chiếm 20%.
Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thép Việt Đức nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khó có thể sớm kết thúc và sẽ có tác động đến thị trường xuất nhập khẩu của nhiều nước, bao gồm Việt Nam.
Đối với ngành thép, sản lượng thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hiện đạt khoảng 10% tổng sản lượng ngành thép sản xuất được, quá nhỏ so với sức tiêu thụ của thị trường Mỹ. Chính vì vậy, việc Mỹ áp thuế đối với các mặt hàng Trung Quốc từ 10% lên 25% về lâu dài là cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Thép Việt (Pomina) cho rằng, lâu nay, nhiều mặt hàng sắt thép của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam. Chính vì vậy, nguy cơ sẽ có một lượng sản phẩm Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Để giảm thiểu nguy cơ này, phải có sự điều tiết từ Chính phủ, không để các nhà đầu tư Trung Quốc đặt nhà máy, chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển, đưa hàng hóa của họ sang thị trường Mỹ, vì như vậy sẽ rất bất lợi cho doanh nghiệp trong nước, bởi Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành thủy sản cho biết, việc Mỹ áp thuế cao đối với nhiều mặt hàng Trung Quốc là cơ hội cho ngành thủy sản cũng như da giày, dệt may, thép… của Việt Nam gia tăng số lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, về lâu dài, việc Mỹ thắt chặt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ gây ra những khó khăn nhất định, thậm chí Mỹ có thể sẽ có quyết định tương tự đối với những thị trường khác, trong đó có Việt Nam.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nếu Mỹ mở rộng quy mô bảo hộ sản xuất và hạn chế nhập khẩu thì không chỉ Trung Quốc mà bản thân Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ. Trong một thập kỷ qua, Mỹ luôn là thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam. Việt Nam đang đứng thứ 27 trong danh sách các nước mà Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất.
Thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng
Nhiều thị trường chứng khoán châu Á dường như không chịu tác động bởi quyết định tăng thuế của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc khi có diễn biến tăng điểm trong hai phiên liên tiếp, 10/5 và 13/5. Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên chứng khoán thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, có 2 tác động chính từ quyết định tăng thuế trên của Mỹ. Thứ nhất là tác động lên tỷ giá, có thể nhìn thấy trước mắt (tỷ giá USD/VND có diễn biến tăng). Trước đây, khi chiến tranh thương mại gia tăng, USD có xu hướng mạnh lên, trong khi đồng nhân dân tệ (CNY) yếu đi, tạo áp lực kép lên chính sách điều hành, ổn định tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước. Thống kê cũng cho thấy, mỗi khi tỷ giá căng thẳng, khối ngoại có xu hướng rút vốn khỏi thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến diễn biến của VN-Index.
Thứ hai là tác động đến dòng chảy thương mại toàn cầu. Đây là tác động tương đối phức tạp đến kinh tế Việt Nam, cả về mặt tích cực và tiêu cực, qua đó có nhiều tác động khó lường đến diễn biến của thị trường chứng khoán trong dài hạn.
Về mặt tích cực, Việt Nam có thể kỳ vọng chiến tranh thương mại là cơ hội để thu hút vốn FDI, cơ hội để hàng hóa trở thành các sản phẩm thay thế thâm nhập vào thị trường Mỹ, Trung Quốc…
Ngược lại, các ảnh hưởng tiêu cực có thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sụt giảm, kéo theo sụt giảm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị sản phẩm của doanh nghiệp thuộc Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, hay hàng hóa Trung Quốc có thể tìm cách lách thuế qua việc “mượn danh” sản xuất tại Việt Nam… Theo đó, các ngành sản xuất có tỷ lệ xuất khẩu lớn trong nước sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng leo thang sẽ càng làm cho hai nền kinh tế này suy yếu, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và về lâu dài, điều này sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường chứng khoán.