Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP
Ông Joe Biden gần như chắc chắn sẽ là Tổng thống Mỹ cuối cùng thuộc "thế hệ thầm lặng" - những người sinh ra trong Thế chiến thứ Hai và chứng kiến cuộc bùng nổ kinh tế tạo nên sự giàu có nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, đồng thời củng cố vai trò cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới của Mỹ.
Trong nửa sau của cuộc đời mình, vị Tổng thống Mỹ 78 tuổi đã nhìn thấy phần nào của cải quốc gia thuộc tầng lớp trung lưu bị giảm sút và lợi nhuận từ tăng trưởng của Mỹ tập trung ở một số khu vực nhất định.
Với gói đầu tư trị giá khoảng 2.000 tỷ USD được công bố hôm 31/3, Tổng thống Biden muốn đảo ngược xu hướng của nửa thế kỷ trước và hướng nguồn vốn tới những người dân và vùng đất bị lãng quên.
Kế hoạch tạo việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng của Tổng thống Biden (thành viên đảng Dân chủ) và việc tăng thuế doanh nghiệp để giúp trang trải kế hoạch này hoàn toàn trái ngược với quan điểm cổ súy các thị trường tư nhân được phe Cộng hòa khởi xướng từ cuộc bầu cử Tổng thống Ronald Reagan năm 1980 và được cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thực hiện thông qua các lần cắt giảm thuế và bãi bỏ các quy định.
Nhìn lại lịch sử, dù Tổng thống Bill Clinton đã tiến hành cắt giảm phúc lợi xã hội và bãi bỏ quy định trong lĩnh vực tài chính, hay việc Tổng thống Barack Obama do dự chi tiêu mạnh tay trong cuộc suy thoái vừa qua, thì cả hai đều đã ngần ngại can thiệp sâu vào nền kinh tế trong nhiều thập kỷ qua.
Khu vực nông thôn và Vành đai rỉ sét (Rust Belt) của Mỹ đã trở nên mờ nhạt trong tiến trình phát triển của nước Mỹ khi nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa người da đen và da trắng không mang lại những kết quả nổi bật.
Kế hoạch đầu tư hạ tầng lần này của ông Biden khiến người ta liên tưởng tới kế hoạch vĩ đại của những Tổng thống tiền nhiệm từ đảng Dân chủ. Chẳng hạn, Tổng thống John Kennedy lúc đương nhiệm đã đặt tham vọng vào các hành động mạo hiểm như hạ cánh trên mặt trăng hay nỗ lực của Tổng thống Lyndon Johnson trong thực hiện các sáng kiến "Đại xã hội" (Great Society) nhằm củng cố mạng lưới an toàn xã hội. Ngoài ra, dưới thời Tổng thống Dwight Eisenhower, Mỹ đã ban hành đạo luật cho phép chính quyền dành phần lớn nguồn lực để xây dựng các tuyến đường cao tốc liên bang.
"Tôi bị ấn tượng bởi quy mô, cấu trúc", giáo sư kinh tế của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Simon Johnson bình luận về kế hoạch đầu tư của Tổng thống Biden. "Họ dường như đã đồng tình với quan điểm rằng có thể tăng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng và lan tỏa điều đó ra khắp đất nước" nhờ các khoản đầu tư công phù hợp.
Thế nhưng, cuộc chiến pháp lý trong Quốc hội Mỹ về kế hoạch đầu tư của chính quyền Biden được dự báo sẽ rất "rầm rộ". Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell hôm 31/3 cho rằng bất kỳ dự luật nào mà đảng Dân chủ đề xuất cũng có thể là "con ngựa thành Troy cho đẩy thuế tăng cao". Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ không ủng hộ nỗ lực của đảng Dân chủ để đưa các mục tiêu như ứng phó biến đổi khí hậu hoặc bình đẳng vào một dự luật chi tiêu.
Kế hoạch đầu tư trên được chính quyền Biden đưa ra sau khoản cam kết hơn 5 tỷ USD trong năm ngoái để ứng phó đại dịch Covid-19, phần lớn trong số đó là để thanh toán trực tiếp cho các hộ gia đình và người thất nghiệp.
Theo chính quyền Biden, những "vết thương" do đại dịch Covid-19 có thể hằn sâu, cho nên việc tiếp tục triển khai trợ cấp liên bang, tăng cường nghiên cứu công nghệ, cùng các dự án xây dựng tạo việc làm, là cách để giúp chữa lành các "vết thương".
Sự suy giảm nhân khẩu học và kinh tế của các thị trấn nhỏ và nhiều thành phố quy mô trung bình ở Mỹ đã kéo dài trong nhiều thập kỷ, qua nhiều đời Tổng thống của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, dù hai bên lúc hùng biện tranh cử đều cam kết sẽ đảo ngược tình hình.
Tỷ trọng GDP Mỹ dùng để trả lương tháng và thu nhập của người lao động cũng suy giảm. Các nhà kinh tế lo ngại, điều này sẽ càng làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Mỹ.
Bằng chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng và tài trợ cho các trung tâm nghiên cứu, Tổng thống Biden đang thực hiện lời hứa với cử tri, đồng thời cố gắng cân bằng sân chơi giữa Trung Mỹ với những đô thị phồn vinh như San Francisco và Boston.
Trong bài phát biểu hôm 31/3, Tổng thống Biden đã dẫn chứng rằng nhiều thập niên trước Mỹ chi tới 2% GDP cho nghiên cứu và phát triển, nhưng hiện nay tỷ lệ này chưa đầy 1%, trong khi các quốc gia khác liên tục mở rộng đầu tư.
"Chúng ta đã thụt lùi", Tổng thống Biden đánh giá. "Cánh cửa còn lại của thế giới đang đóng và đóng nhanh chóng. Chúng ta không thể để điều này tiếp tục".
Kenan Fikri, giám đốc nghiên cứu của Tổ chức nghiên cứu đổi mới kinh tế (EIG) cho rằng, kế hoạch đầu tư của ông Biden cho thấy một nỗ lực lớn nhằm giải quyết những bất bình đẳng về địa lý ngày càng gia tăng tại Mỹ... "Nó thể hiện cách tiếp cận rằng cơ sở hạ tầng có thể tạo ra hoặc ngăn chặn những cơ hội".
Nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa người da đen và người da trắng không đạt được nhiều tiến triển trong 30 năm qua, bất kể đã có 16 người da đen của đảng Dân chủ có vị trí trong Nhà Trắng. Do vậy, kế hoạch lần này của ông Biden là nhằm đầu tư vào các cộng đồng người da đen, trong đó có những người bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm cảng biển hoặc các tàn phá môi trường khác, đồng thời đầu tư vào những ngành công nghiệp mà người lao động da đen đang chiếm tỷ trọng lớn.