Mỹ kêu gọi cảnh giác sau vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream

0:00 / 0:00
0:00
Mỹ kêu gọi các nhà khai thác cơ sở hạ tầng năng lượng, kể cả các hãng vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG đến châu Âu, cảnh giác cao độ sau khi xảy ra vụ nổ đường ống Nord Stream nghi do bị phá hoại.
Khói bốc lên từ khu vực rò rỉ của hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 trên biển Baltic, gần đảo Bornholm (Đan Mạch). Ảnh: AFP/TTXVN

Khói bốc lên từ khu vực rò rỉ của hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 trên biển Baltic, gần đảo Bornholm (Đan Mạch). Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bloomberg, ngày 28/9 tại Vienna (Áo), Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói: “Mọi người nên cảnh giác cao độ”, đồng thời kêu gọi tổ chức điều tra khẩn cấp xem ai chịu trách nhiệm về ba vụ nổ nhắm vào đường ống Nord Stream 1 và 2 ngoài khơi bờ biển Đức.

Bà Granholm đưa ra cảnh báo trên khi trả lời phỏng vấn tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Bà Granholm cho biết vụ việc nhấn mạnh lý do tại sao các nước cần tăng cường phòng thủ trong bối cảnh khí đốt và cơ sở hạ tầng năng lượng trở thành vũ khí trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Bà Granholm nói: “Các quốc gia phải đánh giá rủi ro khi dựa vào một thực thể khác để cung cấp năng lượng”.

Bộ Năng lượng Mỹ từ lâu đã lo ngại về các điểm yếu an ninh của các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Mỗi con tàu đều chở theo một lượng năng lượng khổng lồ và có thể gây nổ nếu bị tấn công. Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia của Mỹ cảnh báo rằng hỏa hoạn xảy ra sau vụ nổ tàu khí đốt như vậy có thể gây chết người từ cách xa cả dặm.

Khi được hỏi liệu các chuyến hàng LNG của Mỹ đến châu Âu có cần phải đề phòng nhiều hơn không, bà Granholm nói: “Tất nhiên. Chúng ta phải cảnh giác cao độ”.

Trước đó, Bộ Nội vụ Đức đã đưa ra cảnh báo an ninh chung sau khi loại trừ các nguyên nhân tự nhiên gây ra vụ nổ trên đường ống qua biển Baltic.

Cơ quan an ninh Đức lo ngại rằng cả hai nhánh của tuyến đường ống Nord Stream 1 và 2 sẽ vĩnh viễn không sử dụng được sau các vụ rò rỉ khí đốt nghiêm trọng vừa qua. Các cơ quan an ninh Đức lý giải rằng nếu các nhánh dẫn khí đốt của các tuyến đường ống trên không được sửa chữa nhanh chóng, nước muối sẽ xâm nhập vào đường ống gây ra hiện tượng ăn mòn.

Theo các chuyên gia của Bộ Ngoại giao Đức, một số bộ liên bang và Văn phòng Thủ tướng Đức đang thảo luận về hậu quả của vụ việc. Bước đầu tiên, cảnh sát liên bang sẽ tăng cường kiểm soát lãnh hải Đức, theo đó các tàu của Đức sẽ giám sát chặt chẽ hơn các tuyến cơ sở hạ tầng quan trọng. Ngoài ra, các vùng của Đức cần tăng cường bảo vệ các khu vực ven biển ở phía Bắc và biển Baltic.

Cảnh sát Đan Mạch cũng đã thông báo mở cuộc điều tra về vụ rò rỉ khí đốt trong đường ống dẫn khí từ Nga đến châu Âu dưới biển Baltic. Trước đó, Cơ quan năng lượng Đan Mạch cho biết cơ quan hàng hải của nước này đã ban hành cảnh báo hàng hải và thiết lập vùng cấm trong phạm vi 5 hải lý xung quanh khu vực rò rỉ đường ống vì gây nguy hiểm cho giao thông tàu thuyền.

Hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 1 tại Lubmin, miền Tây Bắc Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 1 tại Lubmin, miền Tây Bắc Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nước châu Âu cũng đang điều tra vụ rò rỉ 2 đường ống dẫn khí đốt từ Nga chảy qua Biển Baltic trong bối cảnh cả châu Âu và Nga đều nghi ngờ đây là kết quả của hành vi phá hoại.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga dự định kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp liên quan đến các hành động khiêu khích nhằm vào 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt trên.

Ngày 28/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga kêu gọi đối thoại và phối hợp để làm rõ vụ rò rỉ khí đốt trên 2 tuyến đường ống dẫn khí này và có phương án khắc phục hậu quả sự cố. Theo ông Peskov, Nga chịu thiệt hại từ tình trạng khẩn cấp này bởi trong khi giá khí đốt đắt đỏ thì xảy ra sự cố rò rỉ khí đốt và 50% lượng khí rò rỉ này vốn đã được lên kế hoạch cung cấp cho thị trường trong nước.

Các đường ống trên là tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng đang leo thang giữa châu Âu và Nga.

Cả hai đường ống vẫn được bơm đầy khí đốt nhưng không vận chuyển nhiên liệu đến châu Âu. Mỗi tuyến của đường ống bao gồm khoảng 100.000 ống thép nhồi bê tông nặng 24 tấn được đặt dưới đáy biển. Các đường ống dẫn khí có đường kính bên trong là 1,153m.

Tin bài liên quan