Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, DC. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại Mỹ vào cuối tháng 4 lại giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua, dữ liệu mà Fed công bố ngày 5/5 cho thấy.
Cụ thể, trong tuần kết thúc vào ngày 26/4 tiền gửi chưa điều chỉnh theo mùa chỉ đạt khoảng 17.100 tỷ USD, giảm 120 tỷ USD so với tuần trước đó và đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021. Còn so với tuần trước khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ vào tháng 3, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã giảm hơn 500 tỷ USD.
Sau sự sụp đổ của hai ngân hàng quy mô trung bình, gồm Silicon Valley Bank và Signature Bank trong tháng 3, dòng tiền ồ ạt tháo chạy khỏi các ngân hàng Mỹ. Nhưng đến đầu tháng 4, tiền gửi ngân hàng đã ổn định và tăng trở lại vào nửa cuối tháng 4, khoảng thời gian thường chứng kiến dòng tiền lớn đổ khi mùa khai thuế hàng năm sắp kết thúc.
Nếu điều chỉnh theo mùa, tiền gửi vào các ngân hàng Mỹ đã biến động rất ít kể từ cuối tháng 3.
Tiền gửi ngân hàng chưa điều chỉnh theo mùa trong tuần kết thúc vào ngày 26/4 đã giảm còn 10.540 tỷ USD, từ 10.610 tỷ USD một tuần trước đó. Riêng lượng tiền gửi vào các ngân hàng nhỏ đạt 5.320 tỷ USD, giảm so với mức 5.340 tỷ USD ghi nhận tuần trước đó.
Trái lại, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn chưa có chiều hướng giảm. Nhiều nhà kinh tế và hoạch định chính sách dự đoán tín dụng sẽ tăng lên sau những hỗn loạn gần đây của hệ thống ngân hàng Mỹ và việc Fed liên tục mạnh tay tăng lãi suất trong năm qua.
Trong diễn biến mới nhất, cuối tuần qua First Republic Bank đã trở thành "nạn nhân" thứ ba của ngành ngân hàng Mỹ sau sự sụp đổ đột ngột của Silicon Valley Bank và Signature Bank trong tháng 3. Lần này, "gã khổng lồ" Phố Wall JPMorgan Chase đã ra tay giải cứu First Republic Bank sau khi thắng phiên đấu giá vào cuối tuần.
Trong tuần kết thúc vào ngày 26/4, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng Mỹ đã tăng trong tuần thứ hai liên tiếp lên 17.370 tỷ USD do các khoản cho vay và cho thuê tài chính tăng lên mức kỷ lục 12.110 tỷ USD (chưa điều chỉnh theo mùa), từ mức 12.070 tỷ USD trong tuần trước đó.
Tuy nhiên, tăng trưởng cho vay chững lại trong những tháng gần đây khi tốc độ tăng trưởng hàng năm đã "hạ nhiệt" từ hai con số vào cuối năm ngoái xuống còn khoảng 9% vào thời điểm cuối thúc tháng 4. Điều này cho thấy các điều kiện thắt chặt hơn bắt đầu kìm hãm dòng chảy tín dụng ngân hàng.