5 giờ sáng ngày 21/11, trước thềm sự kiện phát đồ ăn miễn phí nhân lễ Tạ ơn của ngân hàng Thực phẩm ở sân vận động NRG, Houston, hàng nghìn xe ô tô, xe tải và người đi bộ nối nhau xếp thành hàng dài.
Ông Randy Young cùng mẹ cũng xếp hàng chờ đợi trên xe. Ông Young từng là đầu bếp ở sân vận động NRG nhưng bị mất việc trong thời gian đại dịch. Mẹ con ông tới đây để cố gắng kiếm một bữa ăn đầy đủ cho dịp lễ Tạ ơn.
“Ở đây có rất nhiều người”, ông Young nói. “Tôi vừa bảo mẹ mình rằng ‘con thấy có người ngồi trên xe Mercedes đang xếp hàng, cả nhiều dòng xe khác’. Nếu một người đi xe Mercedes lại thiếu thức ăn, tình hình đang rất tệ”.
Theo phân tích của Washington Post, suy thoái kinh tế ở Mỹ đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người trong khi các chương trình cứu trợ của chính phủ hoặc đã hết hạn, hoặc sẽ kết thúc vào cuối năm. Các chuyên gia cho rằng nước Mỹ có thể phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng nhất kể từ năm 1998.
Trong tuần qua, cứ 8 người Mỹ thì có 1 người bị thiếu lương thực, ước tính có tới gần 26 triệu người trưởng thành không được ăn uống đầy đủ, tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước đại dịch, theo dữ liệu khảo sát của cục Điều tra dân số từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Nếu xét riêng những hộ gia đình có trẻ em, tỷ lệ người lớn thiếu lương thực là 1/6.
Houston là một trong những nơi bị nạn đói ảnh hưởng nhiều nhất ở Mỹ, cả ngành y tế và kinh tế của thành phố này đều bị đại dịch COVID-19 tổn hại nặng nề. Tỷ lệ người trưởng thành bị đói ở Houston là hơn 1/5, tại các hộ gia đình có trẻ em, tỷ lệ này là 3/10.
Đối tượng chịu hậu quả nặng nhất là các hộ gia đình gốc Tây Ban Nha và người da đen, rất nhiều người phải cố gắng đảm bảo nguồn lương thực ngay cả trong điều kiện nguy hiểm.
Bà Neicie Chatman, một quản trị viên 68 tuổi, cũng xếp hàng chờ nhận thực phẩm trên ô tô từ hơn 6 giờ sáng. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, thời gian làm việc của bà Chatman không ổn định, em gái bà mất việc, hai chị em sống cùng người mẹ đau ốm nhiều năm. Nhân sự kiện này, bà muốn mang thức ăn về cho gia đình và chia sẻ với những hàng xóm lớn tuổi.
Ngoài kia, làn sóng COVID-19 mới đang lan rộng khiến mức sống của những người như gia đình Chatman và Young có nguy cơ xấu đi.
Các chương trình cứu trợ chưa được gia hạn
Cuộc khủng hoảng lương thực này ập đến với người dân Mỹ mà không được báo trước. Quốc hội Mỹ không đạt được bất kỳ tiến triển nào về một thỏa thuận viện trợ đại dịch mới, ngay cả khi các ngân hàng thực phẩm trên khắp đất nước đang báo cáo tình trạng khẩn cấp vào kỳ nghỉ lễ.
Sự đói kém không loại trừ nơi nào trên nước Mỹ. Ngay cả ở quận Virginia, một trong những quận giàu có nhất nước Mỹ, tổ chức cứu trợ Loudoun vẫn phải cung cấp thực phẩm cho 887 hộ gia đình trong tuần qua. Số lương thực cứu trợ này nhiều gấp 3 lần trước đại dịch.
“Tất cả đều như một thảm họa”, chuyên gia về kinh tế và an ninh lương thực Diane Whitmore Schanzenbach tại đại học Northwestern cho biết. "Tôi là một người dễ thỏa mãn, nhưng tình hình này thật điên rồ".
Sau khi COVID-19 khiến kinh tế Mỹ suy sụp, tỷ lệ người đói kém được cải thiện phần nào nhờ các gói viện trợ đại dịch trị giá hàng nghìn tỷ đô la, trợ cấp thất nghiệp tăng, các chương trình cung cấp lương thực và khuyến khích các công ty không sa thải nhân viên có biên chế.
Nhưng tất cả đều chỉ có hiệu quả nhất thời, phần lớn các gói viện trợ liên bang dần hết hạn vào tháng 9, và hơn 12 triệu công nhân sẽ mất trợ cấp thất nghiệp trong năm nay nếu Quốc hội không gia hạn các chương trình cứu trợ.
Thêm vào đó, những chương trình quốc hội Mỹ đồng ý gia hạn cũng không diễn ra thuận lợi. Một chương trình hỗ trợ 6 USD mỗi ngày cho các gia đình có con nhỏ phải học ở nhà được gia hạn thêm một năm từ ngày 1/10.
Nhưng các khoản thanh toán bị trì hoãn vì nhiều bang cần xin chỉ thị từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Gói cứu trợ này tuy nhỏ, nhưng vẫn là cứu cánh cho những gia đình đang gặp khó khăn.
Tỷ lệ người thiếu lương thực vẫn liên tục tăng cao, đặc biệt là trong cộng đồng người Mỹ da đen. Tới 20% các hộ gia đình người da đen cho biết họ bị đói trong tuần qua, gần gấp đôi tỷ lệ mà toàn bộ người Mỹ trưởng thành phải đối mặt.
Nhiều gia đình đang cạn kiệt lương thực
Nhiều hộ gia đình chia sẻ rằng trong thời gian gần đây, họ đôi khi hoặc thường xuyên bị thiếu lương thực. Nạn đói đang gia tăng, tập trung chủ yếu vào nhóm dân số thu nhập thấp chiếm phần lớn trong nhiều thành phố.
“Nếu không có viện trợ liên tục của liên bang, chúng tôi sẽ khó mà chống đỡ nổi”, Celia Call, giám đốc điều hành công ty vận động cho các ngân hàng thực phẩm Feeding Texas, cho biết. "Chúng tôi đang chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất".
Trường học vốn là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng nhất đối với các gia đình có thu nhập thấp ở Houston. Khu học chánh Houston có 210.000 học sinh, trong đó có nhiều em đủ tiêu chuẩn để nhận các suất ăn miễn phí hoặc giảm giá. Nhưng việc trường học phải đóng cửa vì đại dịch khiến việc nuôi dưỡng những em nhỏ này trở thành một nhiệm vụ khó khăn đối với gia đình.
“Chúng tôi vẫn nỗ lực hết mình để tìm đến những đứa trẻ này và cung cấp thực phẩm cho chúng”, Betti Wiggins, nhân viên dịch vụ dinh dưỡng tại học khu, cho biết.
Học khu cũng cung cấp các suất ăn bên lề đường bên ngoài trường học trong thời gian trường phải đóng cửa. Không chỉ học sinh mà bất cứ ai cũng có thể đến.
“Tôi nhận thấy nhiều người không biết cách đối phó với tình trạng nghèo đói”, cô Wiggins nói rằng nhiệm vụ của cô là đảm bảo họ có thức ăn.
Ngân hàng Thực phẩm tại Houston là ngân hàng cung cấp lương thực lớn nhất nước Mỹ. Ông Brian Greene, chủ tịch ngân hàng này cho biết mối lo ngại lớn nhất của các ngân hàng thực phẩm hiện nay là nguồn cung lương thực.
Các ngân hàng này nhận được nhiều tài nguyên nhờ quyên góp và từ một chương trình của Bộ Nông nghiệp nhằm thu mua lương thực dư thừa của nông dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Nhưng nguồn tài trợ cho chương trình này kết thúc vào tháng 9 và chưa được gia hạn.
Teresa Croft, tình nguyện viên tại điểm phân phối thực phẩm ở một nhà thờ ở ngoại ô Manvel, Houston, cho biết nhu cầu của người dân quá lớn. Trong quá trình làm việc, cô chứng kiến cảnh nhiều người lần đầu phải đến xin hỗ trợ lương thực cảm thấy xấu hổ.
“Họ cảm thấy tồi tệ khi phải yêu cầu sự giúp đỡ. Tôi vẫn nói với họ rằng không việc gì phải hổ thẹn”, cô Croft chia sẻ.
Sự kiện ở sân vận động NRG của ngân hàng thực phẩm Houston cung cấp lương thực cho 7.160 phương tiện và 261 người đi bộ đến dự.
Một trong số đó là ông Troy Coakley, 56 tuổi, một công nhân tại công ty khai thác dầu. Ông bị cắt giảm giờ làm và phải tới xếp hàng để mang thức ăn về cho gia đình.
“Ngoài [đại dịch] ra thì chúng tôi đang làm rất tốt”, ông Coakley nói về tình hình chung trên toàn nước Mỹ. "Nhưng giờ đây mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn".