Mỹ đối mặt suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn ở các thị trường mới nổi

Mỹ đối mặt suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn ở các thị trường mới nổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khoảng 61% trong số 234 các nhà quản lý tiền, nhà phân tích và nhà đầu tư trong cuộc khảo sát MLIV Pulse cho biết, họ dự kiến sẽ tăng cường tiếp xúc với các tài sản ở khu vực thị trường mới nổi trong trong 12 tháng tới.

Theo cuộc khảo sát Markets Live Pulse (MLIV Pulse) của Bloomberg được thực hiện từ ngày 15-19/5, giới đầu tư đang lên kế hoạch tăng cường đầu tư vào các thị trường mới nổi.

Họ lên kế hoạch như vậy vì lo ngại về khả năng suy thoái của Mỹ và lộ trình lãi suất không ổn định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Họ nhận định tài sản ở thị trường mới nổi sẽ cung cấp nơi trú ẩn an toàn nếu cuộc chiến chống lạm phát của Fed đẩy nước Mỹ vào suy thoái.

Justin Leverenz, người quản lý Quỹ Thị trường đang phát triển của Invesco cho biết: “Các nền kinh tế ở thế giới đang phát triển chống chịu bất ổn kinh tế vĩ mô tốt hơn nhiều so với cách đây 30 năm và phần lớn các ngân hàng trung ương của họ có trách nhiệm hơn so với các nền kinh tế phát triển đang nỗ lực ứng phó đà tăng của lạm phát. Quỹ đầu tư này đang quản lý khoảng 26 tỷ USD và là một trong những quỹ đầu tư cổ phiếu ở thị trường mới nổi hoạt động tốt nhất thế giới trong năm 2023.

Leverenz cho rằng, trong 10 năm qua, các nền kinh tế mới nổi đã trở nên kiên cường hơn trước các biến động vĩ mô nhưng gần như bị các nhà đầu tư toàn cầu lãng quên.

Trong số những người trả lời khảo sát MLIV Pulse của Bloomberg có khoảng 65% làm việc ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, khoảng 19% làm việc tại châu Á.

Trong đó, khoảng 49% số người tham gia cuộc khảo sát MLIV Pulse cho rằng, ngay cả khi suy thoái kinh tế ở Mỹ gây ra sự suy giảm đối với giá trị tài sản ở thị trường mới nổi, thì tốc độ tăng trưởng cơ bản và định giá hấp dẫn vẫn giúp chúng có hiệu suất tốt hơn so với tài sản ở những khu vực phát triển.

Malcolm Dorson, nhà quản lý của Global X Management, có trụ sở ở New York, nhận định rằng các thị trường mới nổi có vị thế tốt hơn so với các nền kinh tế lớn sau đại dịch Covid-19. Điều đó đang giúp một số nước đang phát triển tránh được hậu quả của kiểu chính sách kích thích ồ ạt trong đại dịch Covid đang đe dọa Mỹ và châu Âu.

Devan Kaloo, người đứng đầu toàn cầu về các thị trường mới nổi của Công ty quản lý tài sản Abrdn (Anh), nhận định: Chúng tôi nhận thấy tiềm năng tăng trưởng cơ bản sẽ cải thiện ở tại các thị trường mới nổi. Trong khi đó, các mức định giá tài sản ở đây còn rẻ và sức hấp dẫn dài hạn của khu vực này vẫn không suy giảm.

Cuộc khảo sát của MLIV Pulse cho thấy, hiệu suất tăng trưởng cao hơn của thị trường mới nổi có thể sẽ đến từ cổ phiếu. Khoảng 41% số người tham gia khảo sát cho biết, cổ phiếu là lựa chọn đầu tư tốt nhất tại các khu vực thị trường mới nổi trong vòng 12 tháng tới.

Chỉ số MSCI Emerging Markets Index, theo dõi giá cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa ở 24 thị trường mới nổi mới chỉ tăng 2,2% từ đầu năm đến nay, trong khi mức tăng của một chỉ số theo dõi cổ phiếu của thị trường nước phát triển là 9,2%.

Lewis Kaufman, giám đốc quản lý Quỹ Artisan Developing World Fund (Ireland) trị giá 3,7 tỷ USD, tập trung đầu tư chứng khoán ở các nước đang phát triển cho biết: Chúng tôi cần những nền kinh tế mới nổi có thể duy trì mức tăng trưởng GDP tiềm năng hợp lý và những doanh nghiệp có thể tạo ra giá trị. Kể từ đầu năm đến nay, quỹ này có hiệu suất tăng trưởng cao hơn 99% quỹ đầu tư có trụ sở ở Mỹ.

Xét về các khu vực đầu tư, những nhà đầu tư trả lời khảo sát cho biết họ tập trung vào các cơ hội ở Đông Nam Á. Phần lớn họ kỳ vọng tài sản của khu vực này sẽ mang lại lợi nhuận tốt nhất trong số các thị trường mới nổi trong vòng hai năm tới.

Aninda Mitra, nhà chiến lược vĩ mô và đầu tư tại Công ty BNY Mellon Investment Management ở Singapore, cho rằng: Đông Nam Á là một trong những nơi tốt nhất cho các nhà đầu tư dài hạn. Khu vực này có chính sách quản lý vĩ mô hợp lý, nhân khẩu học thuận lợi hơn và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng với tốc độ đều đặn.

Theo Alexander Davey, chuyên gia đầu tư cấp cao của HSBC Asset Management, tăng trưởng ở Đông Nam Á đang dần bình thường hóa khi nền kinh tế Trung Quốc tái mở cửa lại và mở rộng hoạt động sản xuất. Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs đánh giá cao cơ hội đối với cổ phiếu ngành ngân hàng của Thái Lan.

Tin bài liên quan