Mỹ đang mất ngôi vương về xuất khẩu ngô

Mỹ đang mất ngôi vương về xuất khẩu ngô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong hơn nửa thế kỷ, Mỹ đã thống trị thị trường ngô quốc tế, vận chuyển nhiều loại cây trồng quan trọng hơn bất kỳ quốc gia nào khác để cung cấp thức ăn cho vật nuôi trên thế giới, lấp đầy kho dự trữ và sản xuất thực phẩm chế biến.

Tuy nhiên, trong năm thu hoạch kết thúc vào ngày 31/8, Mỹ đã mất ngôi vương về xuất khẩu ngô vào tay Brazil, và Mỹ có thể không bao giờ lấy lại được vị trí này.

Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, vào năm thu hoạch 2023, Mỹ sẽ chiếm khoảng 23% xuất khẩu ngô toàn cầu, thấp hơn nhiều so với mức gần 32% của Brazil. Brazil được cho là đang giữ vững vị trí dẫn đầu trong năm trồng trọt 2024, bắt đầu từ ngày 1/9. Kể từ thời chính quyền Tổng thống Kennedy, nước Mỹ chỉ 1 lần mất vị trí số một về xuất khẩu ngô vào năm 2013 sau một đợt hạn hán tàn khốc. Nhưng ngay năm sau đó, Mỹ đã lấy lại vị trí độc tôn này. Ngành xuất khẩu ngô của Mỹ trước đây chưa bao giờ trải qua hai năm liên tiếp ở vị trí thứ hai cho đến tận ngày nay.

Việc mất đi vị trí dẫn đầu về xuất khẩu ngô có thể là điều quen thuộc với nông dân Mỹ, mà trong thập kỷ qua họ cũng đã từ bỏ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu cả đậu tương và lúa mì. Trong năm 2013, Mỹ mất đi vị thế dẫn đầu về xuất khẩu đậu nành vào Brazil. Năm tiếp theo, Mỹ cũng mất đi vị thế thống trị về lúa mì vào Liên minh châu Âu, sau đó là Nga cũng bắt đầu lấn át Mỹ trên thị trường toàn cầu.

Một loạt yếu tố đằng sau sự thay đổi này: chi phí gia tăng và tình trạng thiếu đất nông nghiệp rộng mở, những tác động kéo dài của cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc, đồng đô la Mỹ mạnh lên. Hiện nay, Mỹ chiếm khoảng 1/3 lượng xuất khẩu đậu tương toàn cầu, chỉ đứng sau Brazil. Về lúa mì, Mỹ hiện đang đứng ở vị trí thứ năm, với thị phần toàn cầu ở mức một con số.

Thị phần xuất khẩu ngô của các quốc gia

Thị phần xuất khẩu ngô của các quốc gia

Sự suy giảm liên tục và mất khả năng cạnh tranh của Mỹ là một đòn giáng mạnh vào một quốc gia từ lâu đã xem lương thực là một thế lực địa chính trị. Tuy nhiên, sự thay đổi trong xuất khẩu ngô không phải là điều bất ngờ. Trong nhiều năm, chính phủ liên bang đã khuyến khích sử dụng ngô trồng trong nước để sản xuất ethanol, chất được thêm vào xăng. Khoảng 40% ngô của Mỹ sẽ cung cấp cho các nhà máy trong nước sản xuất ethanol để sử dụng làm nhiên liệu vận tải. Khi các nhà máy không mua, ngô của Mỹ cũng có thể được bảo quản trong các kho chứa lớn hoặc kho chứa ngũ cốc để sử dụng trong nhiều năm và chờ mức giá tốt hơn.

Krista Swanson, nhà kinh tế trưởng tại Hiệp hội những người trồng ngô của Mỹ cho biết, vụ mùa bội thu ở Brazil và sự thiếu hụt ở Mỹ, cùng với đồng tiền Brazil yếu đã giúp ngành xuất khẩu ngô của Brazil chiếm thế thượng phong trong mùa vụ này.

“Năm nay chúng tôi phải đối mặt với một số thách thức trên thị trường thế giới. Thật khó để cạnh tranh khi trong suốt tháng 5 và tháng 6, giá thị trường của Brazil thấp hơn Mỹ 75 cent/giạ”, bà cho biết.

Tuy nhiên, một số thách thức cạnh tranh của thị trường ngô của Mỹ trên phạm vi toàn cầu sẽ vẫn tồn tại sau năm hiện tại. Mỹ có chi phí lao động và vận chuyển cao hơn, đặc biệt khi hạn hán tiếp diễn trên sông Mississippi làm tắc nghẽn huyết mạch thương mại chính cho cây trồng ở miền Trung Tây của Mỹ.

Trong khi đó, Brazil đang nâng cấp các cảng và cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách về hậu cần trước đó. Với khí hậu ấm hơn, Brazil cũng có hai vụ thu hoạch ngô mỗi năm thay vì một, mang lại lợi thế cạnh tranh hơn so với Mỹ. Ngay cả khi ngành ngô của Mỹ giành lại vị trí xuất khẩu hàng đầu trong một hoặc hai năm trong thời gian tới, nhưng với tất cả những trở ngại trên thị trường toàn cầu so với Brazil, ngành này khó có thể giành lại ngôi vương về lâu dài.

Thị phần xuất khẩu lúa mì, ngô, đậu nành của Mỹ

Thị phần xuất khẩu lúa mì, ngô, đậu nành của Mỹ

Vào thời kỳ đỉnh cao, Mỹ xuất khẩu 78% sản lượng lúa mì, 54% đậu nành và 45% ngô mỗi năm. Nhưng vào năm 2024, những con số này được dự báo sẽ giảm xuống lần lượt là 40%, 43% và 14%. Nhìn chung, Mỹ sẽ chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong xuất khẩu cây trồng toàn cầu.

Đối với người mua nông sản lớn là Trung Quốc, Brazil cũng không có bất kỳ gánh nặng chính trị nào như của Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận mua ngũ cốc của Brazil để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và thay thế nguồn cung từ Ukraine. Lô ngô đầu tiên của Brazil theo thỏa thuận mới sẽ khởi hành vào tháng 11.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là khách hàng mua chính các loại cây trồng của Mỹ, nhập khẩu ngô và đậu nành của Mỹ nhiều hơn bất kỳ khách hàng nào khác trong ít nhất hai năm qua. Nhưng hàng triệu tấn cây trồng Brazil hiện cũng được xuất sang Trung Quốc mỗi năm. Vào tháng 7, Trung Quốc là điểm đến hàng đầu cho các lô hàng ngô của Brazil với 902.000 tấn, tăng từ con số 0 vào cùng thời điểm này năm ngoái.

Even Pay, nhà phân tích nông nghiệp tại công ty tư vấn nghiên cứu chính sách Trivium China cho biết, Brazil “không phải là đồng minh thân cận của Mỹ, vì vậy Trung Quốc cảm thấy tự tin rằng họ có thể tiếp tục giao thương với Brazil, ngay cả khi mối quan hệ với Mỹ đột ngột xấu đi…Có vẻ như mối quan hệ ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc sẽ không cải thiện nhiều trong thời gian tới, điều này dù muốn hay không cũng sẽ khiến ngành nông nghiệp Mỹ gặp bất lợi phần nào”.

Tin bài liên quan