Giá cả tăng cao không phải là bức tường gạch
“Khi Fed vượt qua được con đường, bạn có một cửa sổ thực sự... Tôi nghĩ rằng, cửa sổ đó cuối cùng đã đến”, ông Cramer nói.
Theo số liệu của Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/7/2022, chỉ số chứng khoán gần đây tăng điểm, bất chấp kinh tế suy giảm hai quý liên tiếp. GDP quý II/2022 tăng trưởng âm 0,9%, nhưng thấp hơn mức âm 1,6% của quý I, đó là tin tích cực.
Ngoài ra, thị trường tăng điểm ngay sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75% ngày 27/7, không như một số dự báo là 1% và phát biểu của Chủ tịch Fed được coi là dấu hiệu về việc cơ quan này sẽ “nhẹ nhàng” hơn với các đợt tăng lãi suất trong tương lai (ông Thomas Costerg, chuyên gia cấp cao của Công ty Quản lý tài sản Pictet Wealth Management dự đoán, Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại từ tháng 9 tới).
Không ít cổ phiếu như cổ phiếu của các công ty xây dựng nhà sẽ bị ảnh hưởng do lãi suất cao. Các nhà bán lẻ như Walmart và Target vẫn phải đối mặt với tình trạng dư thừa hàng tồn kho, vốn là “cơn gió mạnh” đối với hoạt động kinh doanh của họ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các nhà đầu tư nên ngừng mua cổ phiếu.
“Đây là cuộc suy thoái về dư thừa hàng tồn kho, không phải là suy thoái về sa thải và điều đó có nghĩa là bạn có thể mua cổ phiếu nếu không có gì khác từ Fed và/hoặc từ Washington. Người tiêu dùng, các tổ chức và Chính phủ đang nhận được thu nhập, giá cả tăng cao là một bối cảnh cho cuộc sống, chứ không phải là một bức tường gạch”, ông Cramer nhấn mạnh.
Số liệu về GDP cho thấy một số mặt tích cực. Ví dụ, xuất khẩu duy trì đà phục hồi sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đầu năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cho rằng, không có gì phải lo sợ về việc kinh tế Mỹ suy thoái. Việc làm tiếp tục được tạo ra, tài chính hộ gia đình vẫn mạnh mẽ, người tiêu dùng đang chi tiêu và các doanh nghiệp có sự phát triển. Theo đó, nền kinh tế vẫn có khả năng phục hồi, sẽ sớm chuyển sang tăng trưởng ổn định, bền vững.
Vấn đề đáng lưu ý là mức lạm phát hiện tại (9,1%) cao không thể chấp nhận được, điều chưa từng thấy kể từ những năm 1970, đang gây tổn hại cho tài chính của người dân.
“Sự khó chịu mà các hộ gia đình cảm thấy không phải là do thị trường lao động. Một số người có thể lo ngại thị trường lao động sẽ suy yếu, nhưng tôi nghĩ, gánh nặng lớn nhất đè nặng lên tâm lý hộ gia đình là lạm phát”, bà Yellen nói.
Khó khăn có thể tiếp diễn, bởi cuộc chiến Nga - Ukraine, chuỗi cung ứng và kinh tế toàn cầu bất ổn, nhưng bà Yellen cho biết, bà “nhìn thấy” mức lạm phát sẽ giảm xuống, trong khi thị trường việc làm có thể duy trì. Bà hy vọng, các biện pháp hạ nhiệt của Fed có thể giúp giảm lạm phát, nhưng không đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái.
Thị trường việc làm vẫn tích cực
Nhận xét của bà Yellen về sức mạnh của nền kinh tế tương đồng với quan điểm của không ít nhà kinh tế, nhà phân tích, hoạch định chính sách.
Chẳng hạn, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics nói với CNN rằng, nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng, xác suất xảy ra trong 12 tháng tới là 50%, nhưng kinh tế Mỹ đã tạo ra rất nhiều việc làm.
Trong quá khứ, các cuộc suy thoái thường liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, nhưng tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 3,6%, gần mức thấp lịch sử, trong 4 tháng liên tiếp. Trong khi đó, báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 28/7/2022 cho thấy, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm 5.000, xuống 256.000 (đã được điều chỉnh theo mùa) trong tuần kết thúc vào ngày 23/7.
“Chúng ta đã tạo ra được nhiều việc làm. Chúng ta có tỷ lệ sa thải thấp kỷ lục. Chúng ta có số vị trí cần tuyển dụng nhiều kỷ lục. Tiêu dùng, đầu tư, tất cả đều đang tích cực”, ông Zandi nói.
Tương tự, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, thị trường lao động đang gửi đi một tín hiệu về sức mạnh kinh tế.
Chiến lược gia Seema Shah của Principle Global Investors đánh giá, về mặt kỹ thuật, hai quý tăng trưởng âm liên tiếp đồng nghĩa với một cuộc suy thoái, nhưng các dữ liệu kinh tế hiện tại không phản ánh một cuộc suy thoái.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Tim Quinlan của Wells Fargo, xác định một cuộc suy thoái kinh tế không phải là một việc đơn giản và không chỉ bao gồm một khoảng thời gian suy giảm nhất định, mà còn bao gồm mức độ sâu, rộng của sự suy giảm đó trong nền kinh tế.
Ông Andrew Hunter, nhà kinh tế cao cấp tại Capital Economics nhìn nhận, lãi suất cao hơn và lạm phát gia tăng đang đè nặng lên các nhu cầu cơ bản, nhưng kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm 2022.
Mặc dù vậy, số lượng ý kiến nhận định suy thoái kinh tế Mỹ sẽ xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2022 hoặc trong năm 2023 có dấu hiệu gia tăng. 30 người tham gia khảo sát của CNBC, bao gồm các nhà quản lý quỹ, các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế cho rằng, khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới là 55%, tăng 20 điểm so với kết quả khảo sát hồi tháng 5.