Dệt may là một trong những nhóm ngành đang có tín hiệu rất tốt về đơn hàng xuất khẩu

Dệt may là một trong những nhóm ngành đang có tín hiệu rất tốt về đơn hàng xuất khẩu

Mỹ, châu Âu tăng mua hàng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với sự phục hồi kinh tế, các thị trường lớn như Mỹ, EU đang gia tăng mua hàng Việt Nam, mở rộng triển vọng tăng trưởng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Tín hiệu sáng

Vượt qua giai đoạn suy thoái, nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang dần phục hồi với nhu cầu hàng hoá tăng cao, giúp các đơn hàng quay trở lại mạnh mẽ.

Theo báo cáo của S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy mức tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 6 được duy trì trong tháng 7 vừa qua. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh khiến các nhà sản xuất tăng sản lượng và tốc độ tăng trưởng gần bằng mức cao kỷ lục.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại hàng hoá trong 7 tháng ước tính xuất siêu 14,98 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD). Xuất khẩu khởi sắc đã đóng góp tích cực cho đà phục hồi kinh tế trong nước.

Tổng cục Hải quan điểm những mặt hàng chủ lực đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,19 tỷ USD (tăng 29,1%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 4,06 tỷ USD (tăng 19,1%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,48 tỷ USD (tăng 13,3%); gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,53 tỷ USD (tăng 23,2%). Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 66,1 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện dư địa tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ vẫn còn lớn. Nhu cầu của thị trường này tăng cao nhưng hàng tồn kho giảm mạnh là cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, nhất là khi quan hệ giữa hai nước đã được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2023, tạo thuận lợi cho thương mại hai chiều.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi mùa thu - đông đang đến, các nhà cung ứng tích cực mua hàng dự trữ trước thời điểm Mỹ bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ kỳ vọng sẽ đạt 100 tỷ USD trong năm 2024 (năm 2023 đạt 97 tỷ USD).

Thực tế, hàng hoá của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Mỹ nhờ chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng và giá bán cạnh tranh. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam cũng được nâng cao nhờ sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư. Việc nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giúp doanh nghiệp Việt mở rộng cơ hội tại nhiều thị trường.

Tại EU, trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ kinh tế phục hồi tích cực, sức mua cải thiện.

Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn phải đối mặt với áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…

Tăng trưởng kèm thách thức

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch năm nay có thể đạt 100 tỷ USD.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) chia sẻ, Công ty đang có đà tăng trưởng tích cực, doanh thu tháng 6 đạt 800 tỷ đồng, tháng 7 đạt 950 tỷ đồng. Các đơn hàng cho quý IV/2024 đã đầy, nên từ tháng 8/2024, TNG bắt đầu làm đơn hàng cho 2 quý đầu năm 2025.

“TNG nằm trong nhóm 8 doanh nghiệp hàng đầu có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2024. Chúng tôi tập trung vào khách hàng truyền thống của mình, họ đều là các khách hàng lớn tại EU, Mỹ và nhu cầu đơn hàng lớn. Các doanh nghiệp lớn không quá lo ngại về đơn hàng vì đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính. Chỉ có các doanh nghiệp nhỏ, chậm chuyển đổi sẽ gặp khó khăn về đơn hàng”, ông Thời nói và cho biết, khách hàng lớn của TNG tại EU và Mỹ gồm Decathlon, Asmara, TCP, Columbia. Thị trường Mỹ chiếm 40% cơ cấu doanh thu, thị trường EU cũng chiếm 40% cơ cấu doanh thu của Công ty.

Tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM), lượng đơn hàng nhiều và tăng trưởng đều hơn trước. Doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch đơn hàng quý III/2024 và khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV/2024. TCM kỳ vọng, tình hình đơn hàng sẽ khả quan hơn trong quý cuối năm, giúp Công ty hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024. Hiện thị trường châu Mỹ chiếm hơn 25% tổng cơ cấu doanh thu của TCM.

Mặc dù các thị trường có nhu cầu nhập hàng từ Việt Nam tăng cao, nhưng các doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít thách thức.

Hiện tại, các thị trường lớn như Mỹ, EU đều yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững từ nguyên liệu, người lao động, thiết bị đến năng lượng, vận chuyển, tất cả đều được luật hoá và triển khai đồng bộ. EU còn triển khai “hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số” (DDP), yêu cầu thông tin chi tiết về sản phẩm, nhằm mục tiêu thúc đẩy sự minh bạch trong chuỗi cung ứng và khuyến khích thực hành sản xuất bền vững. Trong đó, ngành dệt may sẽ tăng tốc áp dụng DPP kể từ năm 2027 và đến năm 2030, tất cả các trang phục được bán ở châu Âu phải có DDP.

Với thị trường Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng lưu ý, doanh nghiệp cần để ý quy định liên quan đến Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương (UFLPA), phối hợp với Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ phản ánh kịp thời với Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ nhằm giải quyết kịp thời các lô hàng bị dừng tại cửa khẩu.

Với UFLPA, Mỹ sẽ từ chối hàng nhập khẩu bị nghi ngờ được sản xuất bởi/có liên quan đến lao động cưỡng bức tại khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Trong khi đó, không ít mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có một phần nguyên vật liệu từ Trung Quốc, khó tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, theo Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Thuận An (mã chứng khoán GTA), chi phí bán hàng, giá cước vận tải biển tăng cao và biến động hàng ngày ảnh hưởng tới kế hoạch xuất hàng của Công ty.

Để có lợi nhuận tốt, các doanh nghiệp phải đáp ứng quy định tại các thị trường xuất khẩu và chủ động, linh hoạt ứng phó với các biến động thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thời cho rằng, muốn tồn tại, phát triển bền vững, doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình. Sức ép từ các yêu cầu khắt khe của thị trường lớn sẽ đẩy doanh nghiệp phải “nâng cấp”. Những doanh nghiệp nhỏ, ngại đầu tư chi phí chuyển đổi sẽ gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh để bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

TNG là một trong những doanh nghiệp đã tính đến việc tự chủ về nguồn nguyên vật liệu dệt may. Công ty đang sở hữu một khu công nghiệp, thu hút các doanh nghiệp dệt, sợi nhằm hướng tới tự chủ 60 - 70% về nguyên liệu.

Bên cạnh đó, khách hàng lớn của TNG là Decathlon (Pháp) đang dần chuyển trung tâm thiết kế (hiện đặt tại Vũ Hán, Trung Quốc) về Việt Nam, vì chi phí tại Trung Quốc ngày càng đắt đỏ. Chủ động được sản xuất, nguồn nguyên liệu và có trung tâm thiết kế của Decathlon ở Việt Nam sẽ là điều kiện thuận lợi để TNG phát triển.

Tin bài liên quan