Mỹ chặn Trung Quốc thâu tóm MoneyGram vì mối lo ngại về thông tin

Mỹ chặn Trung Quốc thâu tóm MoneyGram vì mối lo ngại về thông tin

(ĐTCK) Ant Financial, doanh nghiệp khổng lồ cung cấp dịch vụ tài chính thuộc kiểm soát của Tập đoàn Alibaba đã bị Chính phủ Mỹ ngăn chặn thương vụ mua lại MoneyGram International Inc trong tuần trước. 

Một số ý kiến cho rằng, động thái này của chính quyền Mỹ xuất phát từ chủ nghĩa bảo hộ nền công nghiệp trong nước của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, câu chuyện này không phải vậy.

Với dịch vụ chuyển tiền tại 350.000 địa điểm, trên 200 quốc gia, MoneyGram là mục tiêu nhắm tới của Ant Financial trong chiến dịch mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài và Công ty sẵn sàng đưa ra mức giá 1,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc, nếu thâu tóm thành công MoneyGram, doanh nghiệp Trung Quốc này sẽ có cơ hội tiếp cận với hệ thống cơ sở dữ liệu người tiêu dùng Mỹ, bao gồm một khối lượng lớn khách hàng quân đội.

Trong kỷ nguyên của thông tin, dữ liệu người dùng là một trong những yếu tố quan trọng đối với an ninh quốc gia và đó là lý do chính quyền Mỹ phải vào cuộc.

Trước đó, Ant Financial cam kết sẽ giữ nguyên dịch vụ và dữ liệu của MoneyGram tại Mỹ, đồng thời nhận được một số ý kiến ủng hộ từ Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, Hội đồng Đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ (CFIU), cơ quan có chức năng xem xét các thương vụ có thể ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia, đã không chấp thuận vụ mua bán này, buộc Ant Financial phải từ bỏ ý định.

Quyết định này được xem là đúng đắn, nhất là khi Ant Financial, cũng như Alibaba có các mối quan hệ mật thiết với chính quyền Đại lục.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, mặc dù đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm nhẹ nhờ động thái kiểm soát dòng vốn của Bắc Kinh, nhưng theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ, dòng tiền từ Trung Quốc vẫn chảy mạnh vào Mỹ với con số khoảng 25 tỷ USD.

Tổng thống Trump từng phát biểu, mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị làm hư hỏng, theo hướng có lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. Và với vấn đề này, ông Trump không “đơn độc”.

Trước đó, năm 2012, không chỉ CFIU, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng ngăn cản việc một công ty Trung Quốc mua lại trang trại điện gió gần một căn cứ hải quân và từ chối một quỹ đầu tư có sự tham gia của nhà nước Trung Quốc nhắm tới công ty chất bán dẫn Mỹ năm 2016.

Trong năm 2017, Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ cũng đã thúc giục chính quyền mới của ông Donald Trump cần “định hình lại các công cụ bảo vệ an ninh quốc gia một cách phù hợp, nhằm ngăn cản và đáp lại các chính sách của Trung Quốc, bao gồm việc xem xét các thương vụ cá nhân trong bối cảnh liên hệ với các chính sách lớn hơn của Đại lục”.

Với chủ trương này, mối lo ngại của CFIU là hoàn toàn hợp lý bởi các chính sách lớn của Trung Quốc thường bao gồm cả việc cổ vũ các doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với Chính phủ tiến hành các thương vụ thâu tóm tài sản nước ngoài, nhất là tại lĩnh vực tài chính và công nghệ.

Trong khi đó, chính quyền Đại lục lại ngăn cản doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập sâu vào thị trường nội địa. Chưa kể, không ít chuyên gia, tổ chức quốc tế từng nhiều lần lên tiếng về việc các tổ chức tài chính Trung Quốc “âm thầm” thu thập dữ liệu của khách hàng.

Một điểm đáng chú ý khác đó là trong kỷ nguyên của dữ liệu lớn, thông tin chính là một trong những yếu tố quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia và Mỹ không phải chính quyền duy nhất từ lâu đã lo ngại về ảnh hưởng của thông tin tới khả năng tự bảo vệ chính mình.

Việc ngăn cản thương vụ Ant Financial mua MoneyGram là một trong những hành động đầu tiên thể hiện mối lo ngại về thu thập dữ liệu, nhưng chắc chắn, nó sẽ không phải là vụ việc cuối cùng.

Tin bài liên quan