Tuần trước, Tổng thống Mỹ - Donald Trump tuyên bố sẽ đánh thuế nhập khẩu lên hàng hóa của Mexico vì vấn đề nhập cư. Giới quan sát cho rằng việc này một lần nữa chứng tỏ ông Trump sẵn sàng dùng thương mại làm công cụ trong mọi tình huống, để đạt mục tiêu chính sách. Nó cũng là tín hiệu với các đối tác thương mại của Mỹ, rằng những lời đe dọa và các cuộc xung đột sẽ trở thành điều bình thường trong thương mại toàn cầu. Ít nhất là khi ông Trump còn tại nhiệm.
Dĩ nhiên, Mexico không phải mục tiêu duy nhất của Mỹ. Hiện tại, quốc gia này còn xung đột thương mại với hàng loạt nền kinh tế khác.
1. Trung Quốc
Một cảng biển ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: NYT
Cuộc chiến với Trung Quốc là xung đột thương mại lớn nhất của ông Trump, cũng là mối quan tâm lớn nhất của các nhà kinh tế học và nhà đầu tư toàn cầu. Cuộc chiến này đã kéo dài gần một năm qua, ảnh hưởng đến dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trị giá hơn 730 tỷ USD hàng năm giữa hai quốc gia.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Sau nhiều vòng, hai nước đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. Cuộc chiến còn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Việc đàm phán cũng đình trệ từ đầu tháng 5, sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc thay đổi các cam kết đã thống nhất trước đó. Ông Trump sau đó nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%, đồng thời đe dọa đánh thuế toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. Trung Quốc ngay sau đó cũng trả đũa và tìm kiếm nhiều cách khác để phản công Mỹ. Giới phân tích cho rằng đồng NDT và các khoáng sản chủ chốt có thể được Trung Quốc đem ra làm vũ khí.
Nếu cuộc chiến thương mại này kéo dài hoặc leo thang, ảnh hưởng có thể sẽ rất lớn. Các công ty Mỹ có lợi nhuận khá lớn từ thị trường Trung Quốc. Quốc gia này hiện cũng là công xưởng của cả thế giới. Ngược lại, Trung Quốc cần xuất khẩu sang Mỹ để duy trì tăng trưởng kinh tế. Họ cũng muốn có các công nghệ tiên tiến, như chip máy tính hay phần mềm từ Mỹ để củng cố tăng trưởng.
Trong nội bộ chính quyền Mỹ, nhiều người cho rằng Mỹ đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc và đặt mục tiêu dài hạn là tách rời hai nền kinh tế này. Một số công ty cũng đã cân nhắc lại sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Vì thế, với Trung Quốc, bất kỳ động thái trả đũa nào cũng có thể đẩy nhanh quá trình này.
2. Nhật Bản
Ông Trump từng gọi mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản là "đồng minh quý báu" và nói rằng ông muốn có một mối quan hệ gần gũi với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Dù vậy, điều này cũng chẳng giúp Nhật Bản thoát sự đe dọa.
Dù đã quyết định hoãn, ông Trump tuyên bố sẽ vẫn áp thuế nhập khẩu lên xe hơi Nhật, trừ phi hai nước đạt một thỏa thuận thương mại. Nhà Trắng cũng muốn nông dân Mỹ có quyền tiếp cận lớn hơn tại thị trường Nhật Bản. Ông Trump còn muốn các hãng xe Nhật xây thêm nhiều nhà máy tại Mỹ, để ngày càng nhiều xe hơi được lắp ráp bởi công nhân Mỹ.
Đạt thỏa thuận với Mỹ là việc quan trọng với ông Abe. Nhiều năm qua, ông đã nỗ lực vực dậy tăng trưởng của Nhật Bản, trong bối cảnh nước này gặp nhiều thách thức khi kinh tế Trung Quốc đi xuống. Mà Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ chính thiết bị và hàng hóa cho Nhật Bản.
3. Mexico
Xe tải chở hàng ở Tijuana (Mexico). Ảnh: NYT
Người ta cho rằng xung đột giữa Mỹ và Mexico đã chấm dứt, khi năm ngoái, ba nước đạt thỏa thuận mới có tên Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada, thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Đến tháng 5 năm nay, Mỹ cũng gỡ bỏ thuế nhôm, thép với hai nước này.
Tuy nhiên, tuần trước, ông Trump đã khơi lại căng thẳng thương mại hai nước, khi tuyên bố áp thuế 5% với hàng nhập khẩu Mexico từ ngày 10/6. Thuế này sẽ tăng dần lên 25% nếu nước này không chặn được hoạt động nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ qua biên giới Mexico. Lời đe dọa của ông Trump đang làm dấy lên câu hỏi về số phận Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada.
Bên cạnh đó, cũng như với Nhật Bản, ông Trump đe dọa áp thuế lên xe nhập khẩu từ Mexico. Rất nhiều nhà máy xe hơi của Mỹ và Nhật Bản hiện đặt tại Mexico, với chuỗi cung ứng rải khắp nước Mỹ.
4. Liên minh Châu Âu (EU)
Công nhân trong một nhà máy thép ở ANgeli (Italy). Ảnh: NYT
Năm ngoái, Mỹ áp thuế nhập khẩu nhôm thép lên hàng loạt đồng minh ở châu Âu. EU sau đó cũng trả đũa bằng việc áp thuế với 2,8 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Ông Trump cũng đe dọa đánh thuế 25% lên hàng triệu xe hơi và linh kiện xe nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm. Động thái này có thể gây thiệt hại cho các bang như Alabama hay Nam Carolina - nơi có các nhà máy lắp ráp lớn của Mercedes-Benz và BMW.
Ông Trump cho rằng xe hơi và linh kiện xe nhập khẩu gây thiệt hại cho các hãng ôtô Mỹ, đồng thời đe dọa an ninh quốc gia. "Tôi muốn nói rằng EU đối xử với chúng ta còn tệ hơn Trung Quốc. Họ đưa Mercedes-Benzes sang đây như là đưa bánh quy sang vậy", ông nói.
Tháng trước, Nhà Trắng đã hoãn quyết định này, dành ra 6 tháng cho hai bên đàm phán thỏa thuận thương mại. Dù vậy, Mỹ vốn cũng đang gặp khó trong đàm phán với EU, do EU từ chối cân nhắc yêu cầu cho phép nhiều nông phẩm Mỹ vào thị trường này hơn. Chính quyền Trump cho biết nếu thỏa thuận không có điều khoản về nông nghiệp, Quốc hội sẽ không thông qua.
Giới chính trị gia tại châu Âu thì cho rằng các hoạt động nông nghiệp tại Mỹ khiến họ cần duy trì rào cản thương mại này. Còn các nước như Pháp hay Bỉ lại không muốn tham gia đàm phán, vì Mỹ năm 2017 từ chối ký vào một thỏa thuận về biến đổi khí hậu toàn cầu.
5. Ấn Độ
Ấn Độ là nước mua nhiều hạnh nhân nhất của Mỹ. Họ đã dọa áp thuế nhập khẩu 20% lên loại hạt này, đồng thời áp thuế lên hàng loạt sản phẩm nông nghiệp, sắt, thép của Mỹ để đáp trả việc Washington áp thuế lên thép của New Delhi. Thuế này đã được trì hoãn vài lần và dự kiến có hiệu lực vào ngày 16/6.
Tuần trước, ông Trump cũng thông báo có ý định chấm dứt việc ưu tiên thương mại với Ấn Độ, đồng nghĩa sẽ áp thuế với số hàng hóa trị giá lên tới 5,6 tỷ USD từ Ấn Độ. Việc này vẫn chưa xảy ra. Tuy vậy, nếu nó được hiện thực hóa, Ấn Độ được cho là sẽ đáp trả Mỹ bằng đòn tương tự.
6. Thổ Nhĩ Kỳ
Tháng 8/2018, Mỹ áp thuế 50% với thép và 20% với nhôm Thổ Nhĩ Kỳ từ với lý do an ninh quốc gia và tiền tệ, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với các đồng minh NATO leo thang. Đến tháng 5 năm nay, thuế này đã được giảm một nửa.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ giảm thuế với một số hàng hóa Mỹ. Trước đó, họ áp thuế với 1,8 tỷ USD hàng hóa nước này. Dù vậy, ông Trump cũng đã chấm dứt việc ưu tiên thương mại cho Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 17/5, qua đó áp thuế lên 1,66 tỷ USD hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ.