Động thái trên là một quyết định chính sách nhằm ổn định mối quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin độc quyền là một quan chức Mỹ cho hay.
Bộ Thương mại Mỹ - cơ quan giám sát các biện pháp kiểm soát xuất khẩu - đang nghiên cứu soạn thảo nội dung cập nhật các hạn chế xuất khẩu vốn đã được áp dụng lần đầu tiên vào năm ngoái.
Các nguồn tin khác cho biết nội dung điều chỉnh các quy định nhằm hạn chế quyền tiếp cận nhiều thiết bị sản xuất chip hơn, tương tự các quy định mới của Hà Lan và Nhật Bản; đồng thời khắc phục một số lỗ hổng trong hạn chế xuất khẩu đối với chip trí tuệ nhân tạo.
"Trung Quốc đã mong đợi nội dung cập nhật vào dịp tròn một năm, dựa theo các cuộc trò chuyện với các quan chức chính quyền Mỹ", vị quan chức Mỹ cho hay.
Đánh tiếng trước cho Trung Quốc về việc cập nhật các quy định hạn chế mới là một phần trong mở rộng các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm ổn định quan hệ với Bắc Kinh.
Trong năm nay, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã cử hàng loạt quan chức cấp cao tới Trung Quốc, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo vào tháng 8. Ngoài ra, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cũng đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 9.
Tháng 10/2022, Washington bắt đầu đưa ra các biện pháp ngăn chặn việc sử dụng công nghệ của Mỹ để tăng cường sức mạnh cho quân đội Trung Quốc bằng cách chặn đứng khả năng tiếp cận các chip AI tiên tiến và hạn chế khả năng nhập khẩu các thiết bị sản xuất chip phức tạp nhất từ Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận về vấn đề trên.
Trong khi đó, ông Liu Pengyu, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington khẳng định: "Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ áp đặt quá mức khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để gây khó khăn một cách bừa bãi cho các doanh nghiệp Trung Quốc".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đưa ra cảnh báo cho các quan chức Trung Quốc về những hạn chế đối với đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc được đưa ra vào tháng 8.
Chính quyền Tổng thống Biden hy vọng sẽ thuyết phục được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco vào tháng 11 tới, một nỗ lực có ảnh hưởng đến thời điểm ban hành các quy định hạn chế xuất khẩu sắp tới.
Nguồn tin của Reuters cho biết, công việc kỹ thuật cần thiết để hoàn thiện các biện pháp hạn chế vẫn chưa hoàn tất. Vị này nói thêm: "Tính đến thời điểm này, kế hoạch cuối cùng vẫn chưa được thực hiện".
Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản cùng bắt tay kiểm soát thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới khi ba quốc gia đã nhất trí phối hợp hành động vào đầu năm nay.
Theo Reuters, các quy định sắp tới của Mỹ có thể ảnh hưởng đến nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới ASML (Hà Lan) vì hệ thống của tập đoàn này bao gồm đơn vị sản xuất các bộ phận và linh kiện của Mỹ.
Tuy nhiên, người phát ngôn của ASML đã từ chối bình luận về vấn đề trên.
Cũng theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ đang hoàn tất các quy định cuối cùng nhằm ngăn chặn Trung Quốc và "các quốc gia đáng quan ngại" khác hưởng lợi từ nguồn trợ cấp sản xuất chất bán dẫn của Washington.
Quy định mới là rào cản cuối cùng trước khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể bắt đầu trao khoản trợ cấp 39 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn tại nước này, Reuters nhận định.
Đạo luật "Chip và Khoa học" mang tính bước ngoặt của Mỹ đưa ra mức hỗ trợ 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ.
Quy định trên dựng "hàng rào bảo vệ" ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, bằng việc hạn chế bên nhận trợ cấp của Washington đầu tư mở rộng sản xuất chất bán dẫn ở "các quốc gia đáng quan ngại" như Trung Quốc và Nga; đồng thời hạn chế bên nhận trợ cấp tham gia vào các nỗ lực nghiên cứu chung hoặc cấp phép công nghệ cho "các tổ chức nước ngoài đáng quan ngại".