Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images).
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) mới đây đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu từ nhà sản xuất găng tay dùng một lần YTY Industry Holdings Sdn Bhd (YTY Group) của Malaysia vì nghi ngờ công ty này sử dụng lao động cưỡng bức.
Đây là lần thứ bảy một công ty của Malaysia đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu trong hai năm qua.
CBP ngày 28/1 đưa ra quyết định này "dựa trên thông tin cho thấy YTY sử dụng lao động cưỡng bức trong hoạt động sản xuất của mình."
Các nhà máy của Malaysia, bao gồm một số nhà cung cấp dầu cọ và găng tay y tế lớn trên thế giới, đã chịu sự giám sát chặt chẽ hơn do nghi ngờ lạm dụng lao động nước ngoài, chiếm một phần đáng kể trong lực lượng lao động sản xuất của nước này.
YTY đã bày tỏ sự "ngạc nhiên và thất vọng" trước lệnh cấm trong bối cảnh nhà sản xuất này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tuân thủ các chính sách xã hội, đặc biệt là đối xử với lao động nhập cư kể từ năm 2019.
YTY cho hay nhà sản xuất này đã gửi một bản cập nhật cho CBP trong tháng này, thông báo rằng họ đã đáp ứng toàn bộ các mục tiêu đối với 11 chỉ số của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về chống lao động cưỡng bức.
Tuy vậy, CBP cho biết cơ quan này đã xác định được bảy trong số các chỉ số của ILO trong quá trình điều tra YTY, trong đó có nợ lương, điều kiện sống và lạm dụng lao động và làm thêm giờ quá mức.
Cũng trong ngày 28/1, cơ quan này cũng xác định nhà sản xuất dầu cọ của Malaysia Sime Darby Plantation Bhd sử dụng lao động cưỡng bức trong hoạt động của mình và hàng hóa của công ty đã bị tịch thu.
Vì lệnh cấm trên có hiệu lực ngay lập tức, do đó cơ quan này sẽ tạm giữ hàng hóa do YTY và các đơn vị YTY Industry Sdn Bhd, Green Prospect Sdn Bhd và GP Lumut sản xuất tại Malaysia ở tất cả các cảng của Mỹ.