Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, bà Trần Ngọc Diệu, Phó tổng giám đốc CTCP Thép Nam Kim (NKG) cho biết, quyết định trên không ảnh hưởng quá lớn đến tổng thể ngành thép khi thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng không lớn.
Ngoài ra, Mỹ chỉ áp thuế với dòng sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội. Cụ thể, DOC đã ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế chống lẩn tránh, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS) được sản xuất tại Việt Nam, sử dụng thép nền là thép cán nóng, thép cán nguội từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Ðài Loan.
Mức thuế chống lẩn tránh cao nhất được Mỹ xác định lên đến 456,2%, tính từ thời điểm 16/12/2019.
Ðối với NKG, qua thẩm tra của DOC, Công ty đã chứng minh được việc tự chủ về nguồn nguyên liệu nên được DOC gia hạn thẩm tra.
Ðiều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm của Công ty xuất khẩu sang Mỹ không bị áp thuế chống bán phá giá.
Cũng theo bà Diệu, hiện sản lượng xuất khẩu của Thép Nam Kim sang thị trường Mỹ chiếm dưới 5% tổng sản lượng bán hàng của Công ty.
Ông Trần Ðình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng khẳng định, quyết định áp thuế của Mỹ không ảnh hưởng tới việc sản xuất và xuất khẩu của Công ty do việc áp thuế chủ yếu đánh vào sản phẩm thép cán nguội và thép không gỉ, đây là sản phẩm mà Hòa Phát chưa xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Thậm chí, theo ông Long, quyết định của Mỹ ở chừng mực nào đó còn có lợi cho Hòa Phát, bởi Công ty đang sản xuất thép cuộn cán nóng, mà đây là sản phẩm không chịu mức thuế cao.
Hiện, các loại thép dùng trong công nghiệp phụ trợ cơ khí, ô tô và ngành thép vẫn là sản phẩm cốt lõi của Tập đoàn.
Ðặc biệt, với dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Tập đoàn tiến tới chủ động hơn nguồn nguyên liệu sản xuất.
Ðại diện CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho biết, HSG không thuộc danh sách các doanh nghiệp bị áp thuế chống lẩn tránh do DOC ban hành.
Tương tự với Thép Nam Kim, DOC cho phép Tập đoàn Hoa Sen tham gia quy trình chứng nhận các lô hàng CORE và CRS xuất khẩu vào thị trường Mỹ, mà không sử dụng thép nền từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Ðài Loan thì sẽ không bị áp thuế chống lẩn tránh khi Công ty có thể cung cấp các tài liệu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến sản phẩm đầu ra theo yêu cầu của DOC.
Số liệu từ Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho thấy, hiện mức xuất khẩu thép vào Mỹ chỉ chiếm chưa đến 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam.
Do đó, các mức thuế quan mới chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến kim ngạch xuất khẩu, nhưng vẫn có ảnh hưởng nhất định đến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp không chủ động được nguồn nguyên liệu, buộc phải nhập khẩu sản phẩm phôi từ các thị trường khác rồi mới gia công.
Ðánh giá chung về phán quyết mới của DOC, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, việc ngành thép bị áp thuế để chống lẩn tránh thuế từ các nước đã không còn mới.
Trước đây, DOC đã nhiều lần quyết định áp mức thuế cao đối với các sản phẩm xuất khẩu của các nước vào thị trường Mỹ và bản thân VSA cũng đã nhiều lần đồng hành với doanh nghiệp trong việc đưa ra các luận điểm để phản ứng với những quyết định trên.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2019, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Ðài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Theo kết luận của DOC, việc sản xuất hai loại thép này sau khi nhập khẩu vào Việt Nam là chuyển đổi không đáng kể, giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng đối với sản phẩm của Ðài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Theo ông Sưa, các doanh nghiệp trong ngành đã lường trước những quyết định từ phía DOC nên đã chủ động đa dạng hóa thị trường và chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào.
Việc chủ động được nguồn nguyên liệu vừa tăng sức cạnh tranh vừa giúp doanh nghiệp thoát mối lo áp thuế chống lẩn tránh thuế từ các thị trường.
Cũng theo VSA, hiện nguồn thép cán nóng đã được Formosa Hà Tĩnh sản xuất để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu).
Năm 2019, Formosa ước sản xuất khoảng 4,5 triệu tấn và đây chính là nguồn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp thép Việt Nam.