Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới nhắm vào các nhà nhập khẩu dầu của Iran ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Các lệnh trừng phạt mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhắm vào các nhà máy lọc dầu độc lập nhỏ tại Trung Quốc, cũng nhắm đến các công ty, tàu thuyền liên quan đến “hạm đội bóng tối” của Iran.
Cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters ngày 17/4, vào hôm trước (16/4), Mỹ đã ban hành các lệnh trừng phạt mới nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, bao gồm cả một nhà máy lọc dầu “teapot” (nhà máy lọc dầu độc lập nhỏ) tại Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách gia tăng áp lực lên Tehran.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng động thái này sẽ gia tăng áp lực lên các nhà nhập khẩu dầu của Iran tại Trung Quốc, khi Tổng thống Trump tìm cách khôi phục chiến dịch “gây áp lực tối đa” lên Iran, bao gồm nỗ lực đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số 0.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trump đã nối lại các cuộc đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của nước này trong tháng này, với các cuộc thảo luận tại Oman cuối tuần trước và vòng đàm phán thứ hai dự kiến diễn ra ở Rome vào cuối tuần này.

Vào ngày 16/4, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một nhà máy lọc dầu độc lập nhỏ có trụ sở tại Trung Quốc với cáo buộc nhà máy này đã tham gia mua dầu thô của Iran trị giá hơn 1 tỷ USD. Đây là nhà máy lọc dầu độc lập nhỏ thứ hai tại Trung Quốc bị chính quyền Trump trừng phạt cho đến nay.

Trước đây, Mỹ không tập trung vào các nhà máy lọc dầu nhỏ của Trung Quốc, một phần vì các đơn vị này ít tiếp xúc với hệ thống tài chính của Mỹ. Các công ty dầu mỏ nhà nước của Trung Quốc đã ngừng mua dầu thô của Iran vì lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt.

Washington cũng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với một số công ty và tàu thuyền mà họ cho là chịu trách nhiệm hỗ trợ vận chuyển dầu của Iran sang Trung Quốc, như một phần trong “hạm đội bóng tối” của Iran.

Phái bộ của Iran tại Liên hợp quốc ở New York và Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa đưa ra phản hồi ngay lập tức khi được yêu cầu bình luận.

Trung Quốc không công nhận các lệnh trừng phạt của Mỹ và là nước nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran. Trung Quốc và Iran đã xây dựng một hệ thống giao dịch sử dụng chủ yếu đồng nhân dân tệ và mạng lưới trung gian, tránh sử dụng đô la Mỹ và tiếp xúc với các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Scott Bessent, tuyên bố: “Bất kỳ nhà máy lọc dầu, công ty hay nhà môi giới nào chọn mua dầu của Iran hoặc hỗ trợ hoạt động buôn bán dầu của Iran đều tự đặt mình vào rủi ro nghiêm trọng. Mỹ cam kết phá vỡ mọi mắt xích hỗ trợ chuỗi cung ứng dầu của Iran”.

Trong một tuyên bố riêng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tammy Bruce nhấn mạnh: “Mọi lệnh trừng phạt sẽ được thực thi nghiêm túc theo chiến dịch gây áp lực tối đa của chính quyền Trump đối với Iran. Một khi Iran còn tìm cách thu lợi từ xuất khẩu dầu để tài trợ cho các hoạt động gây bất ổn, thì Mỹ sẽ buộc cả Iran lẫn các đối tác tiếp tay cho hành vi né tránh trừng phạt phải chịu trách nhiệm”.

Cũng trong ngày 16/4, Bộ Tài chính Mỹ đã cập nhật hướng dẫn dành cho các bên liên quan trong ngành vận tải biển và hàng hải về việc “phát hiện và giảm thiểu hành vi né tránh trừng phạt dầu mỏ của Iran”, trong đó cảnh báo rằng Iran dựa vào một “hạm đội bóng tối” khổng lồ để che giấu các chuyến hàng dầu.

Bộ này cho biết đây là vòng trừng phạt thứ sáu nhắm vào hoạt động bán dầu của Iran kể từ khi ông Trump khôi phục chiến dịch “gây áp lực tối đa” lên Iran, bao gồm các nỗ lực giảm xuất khẩu dầu của Tehran xuống 0 nhằm ngăn nước này phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2017–2021, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới – vốn đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt đối với hoạt động làm giàu uranium của Tehran để đổi lấy việc được dỡ bỏ trừng phạt. Ông Trump sau đó cũng khôi phục các lệnh trừng phạt toàn diện của Mỹ.

Kể từ đó, Iran đã vượt xa các giới hạn của thỏa thuận về làm giàu uranium.

Các cường quốc phương Tây cáo buộc Iran theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật bằng cách làm giàu uranium ở mức độ tinh khiết cao hơn mức cần thiết cho mục đích năng lượng dân sự. Tehran phủ nhận điều này và khẳng định chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn phục vụ mục đích dân sự.

Tin bài liên quan