Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 4: Khởi nghiệp “ngược bão”

0:00 / 0:00
0:00
Covid-19 tái phát khiến các start-up chìm vào giấc mộng trả vay, bài toán sinh tồn, làm sao sống sót qua đại dịch. Song, vẫn có những “bàn chân” lặng lẽ tìm lối đi mới để thay đổi cục diện.
Sản phẩm sáng tạo độc đáo của giới khởi nghiệp được ra đời trong “mùa dịch”

Sản phẩm sáng tạo độc đáo của giới khởi nghiệp được ra đời trong “mùa dịch”

Covid-19 ập đến như sóng thần. Cả thế giới bị đại dịch “khóa tay, khóa chân”. Các nền kinh tế đóng biên. Làn sóng thất nghiệp lan rộng. Hàng trăm triệu người mất việc. Việt Nam cũng chịu tổn thương từ cơn sóng dữ quái ác. Hàng triệu lao động không có việc làm. Tuy nhiên, họ không cam chịu buông tay, phó mặc số phận. Cuộc chiến tìm phao cứu sinh vẫn tiếp diễn.

Bài 4: Khởi nghiệp “ngược bão”

Covid-19 tái phát khiến các start-up chìm vào giấc mộng trả vay, bài toán sinh tồn, làm sao để sống sót qua đại dịch. Song, từ trong bão giông, vẫn có những “bàn chân” lặng lẽ kiếm tìm lối đi mới để thay đổi cục diện, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, dẫu còn gian nan.

Mất nghề tay phải, còn nghề tay trái

Nếu bất chợt trên đường hoặc đi ngang qua khu chùa chiền ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), bạn có nhìn thấy một cô gái lang thang cầm theo túi ni lông và cây gắp rác, lúi húi nhặt lá bồ đề rụng, thì đó có thể là Nguyễn Thị Diệu Huỳnh. Nếu bạn có tò mò hỏi nhặt lá để làm gì, thì cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Làm cho môi trường sạch!”.

Nhưng không, Huỳnh sẽ “phù phép” biến những chiếc lá bồ đề đó trở thành món hàng thủ công độc và hiếm vô cùng ấn tượng - tranh gân lá.

Từ một hướng dẫn viên du lịch cho khách quốc tế, bị thất nghiệp nhiều tháng nay vì Covid-19, Huỳnh khởi nghiệp bằng cách đi nhặt lá bồ đề về làm tranh gân lá.

Là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ (5 tuổi và 7 tuổi), gánh nặng kinh tế đè nặng đôi vai khiến cô suy nhược và liệt cơ mắt, phải mổ vài lần, nên không thể đi xe máy. “Phải làm gì đó không cần di chuyển nhiều, mà vẫn đủ tiền trang trải cho 3 mẹ con là suy nghĩ duy nhất của tôi lúc mới thất nghiệp. Khi mọi người đua nhau kinh doanh online, tôi lại bén duyên với nghề làm tranh gân lá và được mọi người ủng hộ”, Huỳnh nói.

Sau hơn 3 tháng, Huỳnh đã bán được hơn 40 bức tranh, chủ yếu là tranh loại nhỏ, giá 400.000 đồng đến 2 triệu đồng mỗi bức, tùy kích thước. Huỳnh chưa có cửa hàng, khách có thể đặt mua tranh trực tiếp qua facebook Bồ Đề Tâm.

“Muốn tranh có hồn, người vẽ phải có tâm, đặc biệt với dòng sản phẩm thủ công độc và hiếm, cần phải tỉ mỉ và yêu thích thì mới thành công. Tôi luôn nỗ lực tạo ra những bức tranh độc nhất để mang cảm giác mới lạ cho người thưởng thức, vậy mới đắt hàng”, cô chia sẻ. Huỳnh cũng rất tự tin, vì ở Việt Nam chưa có ai điêu khắc lưu hình trên lá.

Đừng quá hoang mang hay buồn rầu khi thất nghiệp. Nên suy nghĩ tích cực và bình tĩnh trong mọi khó khăn, tìm cách thoát khỏi tình trạng bế tắc. Khi tìm được mục đích theo đuổi, thì phải kiên định với lập trường của mình. Hãy luôn dự trù cho mình một nghề tay trái, để khi nghề chính gặp rủi ro, thì mình vẫn có thể tồn tại nhờ nghề thứ hai. Đó là điều Huỳnh nhắn nhủ tới những người bị thất nghiệp và muốn kiếm tiền, khởi nghiệp thời điểm này. 

Không bị thất nghiệp vì Covid-19, trái lại, Hoàng Giang (34 tuổi), CEO Công ty cổ phần Công nghệ eTOP lại nhờ dịch mà có lương.

Từ tháng 4 trở lại đây, eTOP có lãi, doanh thu tăng trưởng khoảng 70 - 80%/ tháng, khiến Giang thấy mình thật may mắn khi chọn lựa lĩnh vực khởi nghiệp đầy gai góc là công nghệ trong ngành phân phối.

“Trước đây, eTOP làm miễn phí, không có doanh thu, lợi nhuận. Giờ thì đã có lãi, số lượng nhân sự tăng gấp đôi, lên 40 người”, Giang hồ hởi.

Sau hơn một thập kỷ dấn thân khởi nghiệp với nhiều dự án lớn, đại dịch Covid-19 đã thức tỉnh Giang phải thay đổi chiến lược, nhưng cũng phải may mắn lắm mới “sống” được. eTOP sẽ tiếp tục miễn phí, nhưng đó là sản phẩm lõi, là đường dẫn để Giang phân phối các dịch vụ khác. Các dịch vụ này được tích hợp để khách hàng sử dụng theo nhu cầu, không ép buộc.

Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 4: Khởi nghiệp “ngược bão” ảnh 1

Bất ngờ, thay đổi chóng mặt, đơn hàng giảm nhanh là những cú sốc mà Giang và các cộng sự đã trải qua trong đợt dịch hồi đầu năm. Giờ đây, khi Covid-19 trở lại, họ đã vững vàng tâm lý. Là công ty công nghệ, nên eTOP dễ thay đổi chiến lược để thích nghi.

“Tập trung vào giá trị cốt lõi giúp chúng tôi tồn tại ngay cả khi suy thoái”, Giang nói.

Từ đây, thay vì tập trung vào đơn hàng đang bị giảm khoảng 20 - 30%, eTOP phát triển các dịch vụ khác để có lợi nhuận.

Tháng 3 và tháng 4/2020, cao điểm dịch và giãn cách xã hội lần đầu, eTOP chuyển sang bán các dịch vụ có lợi nhuận với các dự án lớn, như gia công phần mềm quản lý giao nhận, điều phối đơn... - hệ thống lõi của logistics - cho các đơn vị vận chuyển lớn; cung cấp dịch vụ eOrder nhập hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc về Việt Nam, thông qua nhập khẩu chính ngạch theo phương thức vận chuyển thương mại điện tử. Cùng với đó, eTOP còn cung cấp dịch vụ nền tảng website Ecomify đơn giản cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thời điểm này, hầu hết các nhà đầu tư đều lo thoái vốn, hoặc giữ tiền mặt, đặc biệt sau hàng loạt bong bóng nổ ra trong nền kinh tế chia sẻ khiến các start-up công nghệ bị mất điểm; chỉ một số nhà đầu tư đi thu gom start-up “sắp chết” để mua được giá rẻ. Trong làn sóng thu gom đó, Giang không muốn eTop vuột khỏi tay mình.

Chạm và nắm giữ thị trường ngách

Không hiếm các bạn trẻ nhận ra, ở Việt Nam có nhiều thị trường ngách chưa ai chạm tới, hoặc chạm rồi bỏ đi.

Cỏ, bã mía, gạo, dừa... mang đến một góc nhìn khác về tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay của cô gái người Canada gốc Việt - Marina Tran Vu. Cô là sáng lập, CEO Dự án EQUO, chuyên kinh doanh các sản phẩm thân thiện môi trường.

Từ những nguyên liệu đó, đồng thời để giải quyết tình trạng lượng rác thải nhựa dùng một lần tăng chóng mặt trong mùa dịch từ dịch vụ giao hàng nhanh, Marina Tran Vu cho ra mắt bốn loại ống hút được làm từ những nguyên liệu đó.

Sản phẩm nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng và lần đầu xuất hiện trên nền tảng huy động vốn đại chúng Kickstarter (Mỹ). Công ty dự kiến gia tăng sản xuất, gia nhập đường đua với số lượng xuất khẩu 3 - 5 triệu ống hút.

Ngoài ống hút, Dự án còn muốn tạo ra nhiều sản phẩm khác làm từ những nguyên liệu thiên nhiên như túi vải đay, văn phòng phẩm, hoặc những vật dụng hằng ngày.

Tư duy khởi nghiệp của Marina Tran Vu đã khiến những sản phẩm này trở nên khác biệt. “Trước khi là người bán, mình hãy là người mua. Nếu người bán biết cách chạm đúng chi tiết lõi của người mua, thì sản phẩm đó sẽ hấp dẫn. Nhưng trước khi muốn truyền tải những thông điệp đó, người bán phải chứng minh được mình đã hiểu rất rõ về sản phẩm”, cô chia sẻ.

Để phát triển dự án này với quy mô lớn hơn, đưa sản phẩm đến Canada, Mỹ, Australia cũng như các nước châu Âu trong tương lai, Marina Tran Vu phải trở về Việt Nam để tìm nguồn nguyên liệu dồi dào và bền vững phục vụ sản xuất.

Cô đang lên ý tưởng xây dựng một nông trại chuyên canh tác các loại nông sản khác nhau tại Việt Nam. Nông trại này sẽ cung cấp các nguyên liệu thiên nhiên để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, tạo thêm việc làm cho người lao động nông thôn.

Bánh mỳ giải cứu thanh long, thức uống detox có lợi cho sức khỏe trong mùa dịch, khẩu trang từ bã cà phê… là những ý tưởng kinh doanh sản phẩm sáng tạo thời gian qua của giới doanh nhân.

Sau thành công của giày cà phê, thương hiệu ShoeX tiếp tục mang đến một bất ngờ đầy thú vị khi giới thiệu ra thị trường sản phẩm AirX - khẩu trang cà phê đầu tiên trên thế giới, được làm hoàn toàn từ cà phê Việt Nam.

Vốn là người thích làm thứ chưa ai làm, Lê Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Veritas Shoes Việt Nam thêm một lần nữa chứng mình điều đó. Từ đầu năm, khi Covid-19 xảy ra, anh đã nhận thấy, đây là thời điểm thích hợp để nghiên cứu, cho ra đời loại khẩu trang có thể phòng chống dịch lây lan. Lê Thanh và các cộng sự dồn sức để sản xuất khẩu trang cà phê AirX, đưa ra thị trường vào tháng 4/2020.

Khẩu trang cà phê AirX vừa chống dịch, hợp thời trang và thân thiện với môi trường nên được nhiều khách hàng nước ngoài chuộng. Lê Thanh đã xuất khẩu sản phẩm này sang châu Âu, châu Mỹ.

Sau gần 2 tháng ra mắt, AirX đã nhận tổng đơn đặt hàng gần 500.000 khẩu trang để phân phối từ nay đến cuối năm cho gần 10 quốc gia. Số lượng này dự kiến tăng gấp đôi, khi Covid-19 trở lại.

“Tôi và các cộng sự sẽ không ngừng nghiên cứu để đưa ra những giải pháp hữu ích. Tiếp sau AirX, chúng tôi sẽ ra mắt những công nghệ cải tiến hơn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dùng, kể cả trẻ em và người làm việc trong lĩnh vực y tế”, Lê Thanh nói.

Giới khởi nghiệp đang phải trải qua một trong những thời điểm khó khăn nhất, mà ở đó “nhà giàu” cũng như “nhà nghèo”. Nhưng, những thách thức về hậu cần, thiếu hụt tài chính, giảm hoạt động kinh doanh, gián đoạn chuỗi cung ứng, hàng loạt sự kiện bị hủy… mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

“Con thiên nga đen của năm 2020” là cụm từ mà giới khởi nghiệp khắp nơi trên thế giới dùng để ám chỉ một sự kiện khó lường và hiếm gặp có thể gây hậu quả nghiêm trọng như Covid-19. Mặc dù vậy, nhà đầu tư luôn kỳ vọng, các start-up có thể thích nghi bất kể mọi thách thức phát sinh.

Trên thực tế, đã có rất nhiều start-up tên tuổi được thành lập từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 và vẫn đang duy trì kinh doanh tốt ngay trong đại dịch này, điển hình là Uber, Whatsapp, Pinterest, Instagram. Vậy nên, không có lý do gì để hoài nghi những start-up non trẻ tìm thấy hướng đi, thậm chí là bứt phá để vươn lên dẫn đầu.

Sau mỗi cuộc khủng hoảng, hành vi tiêu dùng của khách hàng sẽ thay đổi. Với mô hình nhỏ, start-up có khả năng linh hoạt thích ứng và nắm bắt cơ hội. Điều họ cần nhất lúc này là duy trì sức bền, sự dẻo dai và khả năng thích nghi.

Trên con đường khởi nghiệp đầy chông chênh này, không phải ai cũng dễ bước đi. Nhưng,  nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam hoàn toàn có thể nhìn thấy ánh sáng cuối con đường: là bản lĩnh, là máu lửa, là biết đứng lên sau những cú sốc một cách khác người.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan