Mưu sinh thời “không bình thường” - Bài 1: Xoay vần trong dịch

0:00 / 0:00
0:00
Covid-19 ập đến như sóng thần. Cả thế giới bị đại dịch “khóa tay, khóa chân”. Các nền kinh tế đóng biên. Làn sóng thất nghiệp lan rộng. Hàng trăm triệu người mất việc.
Phố cổ Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội không còn cảnh bán buôn tấp nập, nhiều cơ sở kinh doanh điêu đứng, phải đóng cửa, sang nhượng cửa hàng.

Phố cổ Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội không còn cảnh bán buôn tấp nập, nhiều cơ sở kinh doanh điêu đứng, phải đóng cửa, sang nhượng cửa hàng.

Việt Nam cũng chịu tổn thương từ cơn sóng dữ quái ác. Hàng triệu lao động không có việc làm. Tuy nhiên, họ không cam chịu buông tay, phó mặc số phận. Cuộc chiến tìm phao cứu sinh vẫn tiếp diễn.

Bài 1: Xoay vần trong dịch

Đằng sau những cánh cửa đóng chặt vì Covid-19 là bài tính cơm, áo, gạo, tiền của hàng triệu gia đình. Họ đang cố gắng vùng vẫy chờ ngày bình minh ló rạng.

Vô lăng xoay chuyển đường đời

Một buổi chiều giữa tuần, nhà ông Phạm Văn Quyết (xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên) không yên ả như mọi khi. Khoảnh đất 5.000 m2 của gia đình ông dẫu được bao quanh bởi đồng ruộng, ao cá, vườn cây ăn quả, cỏ dại mọc cao gần 1 m… cũng không làm dịu cái nắng gắt gỏng, oi nồng, khiến lũ gà chịu đói lủi vào bóng râm.

Dưới ánh mặt trời chói chang, giữa sân gạch bỏng rát không một bóng cây, cả 6 thành viên gia đình ông Quyết tụ tập quanh chiếc máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Họ nhìn ngắm, thích thú và không ngừng bình luận rôm rả.

Đó là chiếc máy do anh Phạm Công Định, con trai ông Quyết mới tậu được gần 1 tuần nay với giá hơn 15 triệu đồng. “Tôi thích lắm, nhưng không dễ chịu. Đó là một khoản tiền không dễ xoay xở đối với gia đình tôi trong bối cảnh dịch bệnh”, anh Định chia sẻ.

Con trai anh, 12 tuổi, lần đầu nhìn thấy chiếc máy nên rất tò mò. “Âm thanh phát ra từ chiếc máy nghe rất thích”, cu cậu nói hồn nhiên. Cả nhà anh quây quần bên chiếc máy và cầu mong nó sẽ thành máy “in tiền”.

Anh Định 40 tuổi, có hơn 20 năm kinh nghiệm ngồi sau vô lăng. Anh trải qua vài vị trí, từ lái xe con cho giám đốc; lái xe 2,5 tấn vận chuyển kiêm bốc vác hàng hóa ở Thái Nguyên, với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, rồi tăng lên 7 - 9 triệu đồng/tháng. Nhưng trong cuộc đời hơn 20 năm cầm lái của người đàn ông này, những tháng ngày sống trong bối cảnh đại dịch có lẽ là ký ức khó phai nhất.

“Tôi đi làm mà không khác nào thất nghiệp. 6 tháng rồi không có một đồng lương”, anh thở dài.

Thu nhập hàng ngày của gia đình anh Định chỉ đủ ăn với mức chi tiêu tằn tiện. Điều này cũng dễ hiểu, bởi với công việc của họ, thì lấy đâu ra mà dư giả. Vợ anh không có việc làm từ hồi lấy nhau, đến nay đã hơn 10 năm. Chị bán đồ ăn vặt ở cổng trường tiểu học, bấp bênh ngày nắng, khi mưa, không đủ nuôi 2 con ăn học. Cuộc sống của anh chị túc tắc qua ngày, mà không một khoản tích cóp.

Nhìn cảnh người người thất nghiệp, nếu mình nối dài vào danh sách đó, sẽ khiến mọi việc tệ hơn, anh Định quyết định sử dụng khoảng đất trống 5.000 m2 của bố mẹ đang bỏ không để chăn nuôi.

“Tôi muốn xoay chuyển tình thế”, anh Định nói dõng dạc và chỉ về chiếc máy ép cám chăn nuôi mua bằng số tiền đi vay bạn bè.

Anh kể, xoay xở vay mượn được 30 triệu đồng, anh tính mua cái máy ép cám khoảng 7 triệu đồng, máy cắt cỏ, máy xới đất…, nhưng điện yếu quá, nên phải đổi sang mua loại máy chạy dầu lên tới hơn 15 triệu đồng. Số tiền còn lại không đủ mua giống vật nuôi, anh đang tính phải vay tiếp khoảng 10 triệu đồng nữa để đầu tư.

Bây giờ, thay vì ngồi chờ xem giờ nào sếp gọi, đưa sếp đi đâu, hay lo nghĩ về những tháng ngày không lương, anh nghĩ xem giờ nào cho cá, gà, lợn… ăn.

Ban ngày, anh vác xô, rổ đi tìm nguồn thức ăn tự nhiên như bèo, rong rêu, cỏ voi, thân cây chuối non..., tối thì vớt ốc bươu vàng về chế biến thức ăn chăn nuôi. Do tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, vật nuôi ăn ngon, dễ tiêu hóa, ít khi bệnh tật, nên chi phí cho thức ăn chăn nuôi giảm 50 - 70%.

“Chưa biết sau cú đầu tư này, đời tôi có khá hơn không. Tôi chỉ biết làm hết sức và chờ đợi mà thôi”, anh Định nói.

Kiếm tiền trả nợ - không có đáp số

Đối với cô gái quê gốc Hải Dương tên Linh (34 tuổi), thì kinh doanh ở phố cổ Hà Nội giống kinh doanh ở 1 thị trấn. Một Spa trên phố Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là cơ sở mà cô cùng các bạn thuê được từ trước Tết Nguyên đán 2020, sau một thời gian tìm kiếm.

Cô sẽ thành bà chủ nếu như Covid-19 không ập đến. Từ con phố tấp nập, Hàng Gai trong thời gian giãn cách xã hội chỉ loáng thoáng bóng người, hàng quán đóng cửa im lìm như đang trong một giấc ngủ thật dài.

“Tôi đã trở thành người rỗi việc. Một kỷ niệm khó quên về thời đại dịch”, cô nói.

Cô quyết định sang nhượng mặt bằng spa, nhưng cũng không có ai quan tâm, vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng khách du lịch quốc tế đến phố cổ ngừng hẳn, nên cũng không ai dám đầu tư.

“Chúng tôi thuê mặt bằng với giá 120 triệu đồng/tháng, dù chủ nhà có giảm 50% cũng quá khó để sang nhượng, mà có mở cửa cũng không thể duy trì, vì sẽ phát sinh chi phí điện, nước, thuế, nhân viên... ” Linh than.

Giờ đây, kiếm tiền trả nợ ra sao là câu hỏi không tìm ra lời đáp. Khoảng 700 triệu đồng dồn vào đầu tư spa có nguy cơ mất trắng.

Linh lập tức thắt chặt các khoản chi tiêu như du lịch, cho con học thêm, mua sắm gia đình và cá nhân, cắt giảm tối đa chi phí sinh hoạt. Chị cũng thử kiếm thêm việc, nhưng rất khó khăn do độ tuổi cao, trong khi các doanh nghiệp đều đang cắt giảm nhân sự và với ngành nghề tuyển mới thì thường yêu cầu độ tuổi từ 22 - 30.

Cô đang rất mong muốn tìm được bất kỳ công việc gì phù hợp, để có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, chưa kể khoản tiền lãi phải trả gần chục triệu đồng mỗi tháng.

“Dù đi làm ở đâu, tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành công việc tốt nhất có thể, vì tôi thấu hiểu sự khó khăn của các doanh nghiệp”, Linh nói và ngước nhìn sang phía bên kia đường - nơi cánh cửa spa vẫn đóng cửa chờ ngày dịch bệnh qua đi, du lịch mở cửa trở lại, khách nước ngoài đến thăm phố cổ, để chị được tiếp tục kinh doanh. Chỉ có vậy, chị mới có cơ hội trả nợ.

Chưa từng nghĩ chia tay một nghề…

Giống như Linh, Trần Văn Hùng, 37 tuổi, đến từ Sơn La cũng góp mặt vào nhịp sống sôi nổi, hối hả của phố cổ Hà Nội hơn 10 năm qua ở vị trí quản lý của một khách sạn. Công việc và cuộc sống của anh ổn định với mức thu nhập khá, cho đến khi Covid-19 bùng phát.

Giờ phố cổ hầu như không có khách Tây, nhiều cửa hàng còn đang nghe ngóng, hầu hết doanh nghiệp lữ hành, khách sạn cũng đóng cửa ngồi chơi.

“Chưa bao giờ tôi thấy người làm du lịch điêu đứng như bây giờ”, Hùng nói. Lương của anh thời điểm trước mùa dịch là 18 triệu đồng/tháng, sau đó bị giảm 50% vào tháng 3. Từ tháng 4, khách sạn đóng cửa, nên người quản lý như anh cũng mất việc. Chưa biết khi nào, khách sạn mới hoạt động trở lại, nên anh phụ vợ lấy hải sản từ Quảng Ninh lên bán, nhưng lãi chẳng đáng là bao.

May mắn đến với Hùng khi đầu tháng 6, anh xin được vào vị trí chuyên viên tư vấn bất động sản cho một công ty lớn ở quận Long Biên, với mức lương 7 triệu đồng/tháng và có hoa hồng nếu bán được nhà, đất.

Gia đình anh sinh sống ở phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), hàng ngày phải đi làm hơn 20 km. Nhưng, như thế có hề gì, vì anh có việc làm đã là may mắn hơn nhiều so với biết bao lao động khác trong ngành du lịch.

Trải nghiệm trong môi trường làm việc mới, Hùng được học hỏi thêm rất nhiều về kinh doanh bất động sản và thấy phù hợp với năng lực của mình. Nếu làm tốt, thu nhập của anh có thể cao hơn so với công việc trước đây, mà không cần phải trực đêm tại khách sạn.

“Đây là cơ hội để tôi thay đổi với công việc có mức thu nhập tốt hơn. Có thể, tôi sẽ gắn bó với công việc này lâu dài, dù trước đây chưa từng nghĩ sẽ chia tay ngành du lịch”, Hùng nói.

Mỗi người phải tự cứu mình

Định, Linh, Hùng chỉ là 3 trong số hàng triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Những con số về người thất nghiệp, thiếu việc làm, xin trợ cấp ngày càng nối dài, tại nhiều địa phương trên cả nước. Họ tới từ nhiều ngành nghề, như nhà hàng, khách sạn, điện tử, may mặc, giáo dục…

“Người ảnh hưởng thì rất nhiều; thất nghiệp thật sự thì không nhiều, nhưng suy thoái kinh tế là chắc chắn”, ông Nguyễn Văn Cường, nghệ nhân nấu bia thủ công trên phố cổ Hà Nội cho biết. Lý do vì ở Việt Nam, ai cũng có vài nghề để sống.

“Trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, thì mỗi người phải tự cứu mình trước”, ông Cường nói.

Theo ông, trong bối cảnh này, người lao động sẽ có hai xu hướng. Thứ nhất, việc gì cũng làm, ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi… và kinh doanh giá rẻ, vỉa hè, di động sẽ lên ngôi. Thứ hai, văn hóa sản xuất, kinh doanh tại gia, tự cung, tự cấp sẽ được đa số dân chúng cổ vũ; sản phẩm gồm đủ loại, từ các loại bánh, mứt, thịt kho, ruốc đến các loại đồ uống, thức ăn, nước trái cây…

“Tôi tin, sau những lớp mây dày, sẽ có những tia nắng nhẹ nhàng vén mây trải xuống mặt đất, quét sạch tàn dư của bóng đêm”, ông Cường tin tưởng.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan