Mặc dù kết quả đạt được theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đánh giá là rất đáng khích lệ nhưng khó khăn, vướng mắc chung trong triển khai cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu vẫn tồn tại.
Ví dụ được dẫn chứng tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 1058) diễn ra sáng nay 15/10 tại Hà Nội.
Đó là câu chuyện nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại Nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn; hay như câu chuyện về tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Du, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN trình bày tại Hội nghị
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Du, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN cho biết: "Việc cơ cấu lại các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ, ngành chủ quản. Đồng thời, nhiều Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng này”..
Đồng tình với việc phải tăng vốn cho các NHTM có vốn nhà nước, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm trình phương án tăng vốn, bên cạnh đó, tích cực thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách để giúp doanh nghiệp trả nợ ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục bám sát Nghị quyết 42, Quyết định 1058 và Quyết định 986 cùng Nghị quyết 01 hàng năm của Chính phủ; khẩn trương phê duyệt phương án tái cơ cấu của số ít ngân hàng còn lại; chủ đồng rà soát hoàn thiện văn bản pháp luật cho trước mắt và lâu dài, trong đó bao gồm Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm tham gia cơ cấu lại các TCTD… Tăng cường hiệu lực hiệu quả thanh tra, kiểm tra của ngân hàng song song với cơ chế cảnh báo sớm, tập trung vào các vấn đề có rủi ro cao để không phát sinh thêm nợ xấu mới.
“Muốn xử lý nợ xấu thì phải có ngân hàng đẹp, ứng xử đẹp, tuân thủ, thượng tôn pháp luật và không có ngoại lệ. Bên cạnh đó, bảo đảm tỷ lệ an toàn, tăng cường bồi dưỡng phát huy văn hoá doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, đồng thời, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình với nhà nước và cộng đồng”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ gợi ý thêm.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: Thứ nhất, chúng ta đang thực hiện các bước đi xử lý những vấn đề trong ngắn hạn cũng như trung dài hạn. Đặc biệt, khi hoàn thiện khung khổ pháp lý, pháp quy cho nhiệm kỳ tới, NHNN đang nghiên cứu những vấn đề đặt ra cho Luật Tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm Tiền gửi... các văn bản pháp quy có liên quan để làm sao đưa vào những vấn đề mới, xử lý những tồn tại hạn chế về khuôn khổ pháp lý.
Về vấn đề thứ hai, Thống đốc cho biết, điều hành chính sách tiền tệ thực hiện công tác quản lý đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng sẽ tiếp tục được củng cố, tăng cường hơn nữa. Đồng thời, các lãnh đạo ngân hàng nghiêm túc nhìn nhận những kết quả đạt được bên cạnh là tồn tại hạn chế, vi phạm vẫn còn xảy ra trong hoạt động để tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn đề án cơ cấu lại cũng như xử lý nợ xấu gắn với từng TCTD. Công tác thanh tra giám sát - một trong những yêu cầu cần phải thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn trong thời gian tới để củng cố chất lượng hoạt động toàn hệ thống.
Toàn cảnh Hội nghị
Cuối cùng, Thống đốc NHNN nhấn mạnh, NHNN cam kết với Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành và các địa phương trong thời gian tới hệ thống ngân hàng cũng như NHNN sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu thực hiện thành công những nội dung đã đặt ra trong Nghị quyết 42, Đề án 1058 và những vấn đề Chính phủ và Quốc hội đã giao.