Theo ông, Nghị quyết về xử lý nợ xấu có hiệu lực từ giữa tháng 8 tới sẽ tác động như thế nào tới thị trường?
Nghị quyết về xử lý nợ xấu mới chỉ tập trung xử lý các khoản nợ xấu đã hình thành, chứ chưa có cơ chế xử lý nợ xấu phát sinh trong tương lai. Tuy nhiên, so với hành lang pháp lý hiện tại, đây là bước tiến lớn.
Như chúng ta đã biết, quy mô nợ xấu đã lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng và đã kéo dài nhiều năm, nhưng do hàng loạt vướng mắc về pháp lý, nên chưa thể giải quyết. Nghị quyết ra đời giúp gỡ nhiều vướng mắc, đặc biệt là, lần đầu tiên, quyền của người cho vay (gắn với quyền thu giữ, xử lý tài sản thế bảo đảm) đã từng bước được công nhận, từ đó, mang lại kỳ vọng sẽ khơi thông và đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tác động cụ thể của Nghị quyết với thị trường sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách thức và hiệu quả triển khai Nghị quyết.
Vậy theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất khi triển khai nghị quyết này?
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, cần có đầy đủ quy định pháp lý và bộ máy thực thi quy định pháp lý đó. Trước hết, các bộ, ngành liên quan, như Bộ Tư pháp, Tòa án, Ngân hàng Nhà nước, chính quyền địa phương… phải nhanh chóng xây dựng văn bản hướng dẫn. Nếu công tác hướng dẫn diễn ra chậm, thì với thời hạn 5 năm kết thúc, chưa chắc nợ xấu đã kịp xử lý.
TS.Vũ Đình Ánh
Ngoài ra, Nghị quyết được ban hành là một chuyện, nhưng bộ máy thực thi vào cuộc có quyết liệt hay không lại là chuyện khác.
Tôi lấy ví dụ, dù Nghị quyết cho phép giải quyết tranh chấp tòa án theo hướng rút gọn, nhưng với sự quá tải của hệ thống tòa án hiện nay, liệu Tòa án có đủ sức xử lý nhanh gọn hay lại kéo dài hàng năm trời? Hay như với vấn đề thẩm định giá để bán nợ, với hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu, việc thẩm định sẽ mất bao lâu, bao nhiêu doanh nghiệp có khả năng định giá, thế nào là giá thị trường…
Tóm lại, để triển khai hiệu quả, cần phải thiết kế được thể chế khả thi cho từng nội dung của Nghị quyết.
Một trong những điểm mới của Nghị quyết là quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ ngân hàng thu giữ nợ xấu. Đây là điều khiến ngân hàng hết sức mong chờ, bởi bấy lâu nay, nhiều trường hợp ngân hàng không thể thực hiện được quyền thu giữ tài sản đảm bảo do sự chống đối của con nợ, trong khi chính quyền địa phương không vào cuộc. Ông nhận xét như thế nào khi quy định trên đi vào triển khai?
Chính xác là như vậy. Muốn xử lý được tài sản đảm bảo, thì trước tiên phải thu giữ. Mà thu giữ chỉ thực hiện được khi có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, từ tổ dân phố đến cấp xã, cấp huyện. Không chỉ thu giữ, vì đa phần tài sản đảm bảo là bất động sản, nên để xử lý tài sản này, cần chính quyền địa phương vào cuộc cấp lại giấy tờ sở hữu, thì việc xử lý nợ mới thông. Quy định mà Nghị quyết đưa ra rất tích cực, song làm thế nào để huy động các cấp chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, đồng bộ lại là một vấn đề.
Nói đến chính quyền địa phương là nói hơn 63 tỉnh/thành phố, 700 quận/huyện, hơn 1 vạn đơn vị cấp xã. Trong bối cảnh công việc của chính quyền địa phương cũng đang quá tải, thì làm thế nào để họ tích cực tham gia, nếu họ từ chối tham gia thì sao? Đó là những vấn đề cần nghiên cứu kỹ và có hướng dẫn chi tiết trước khi triển khai.
Đặt giả thiết, với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị hiện nay, việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết sẽ diễn ra khẩn trương. Khi đó, theo ông, thị trường nợ liệu có sôi động và có diễn ra làn sóng giải chấp ồ ạt bất động sản nợ xấu?
Thị trường nợ có sôi động hay không, trước hết phụ thuộc vào các bên tham gia có thông suốt và tích cực hay không, nhất là khi tư duy của xã hội vẫn còn coi nợ xấu là “chuyện của ngân hàng”.
Thứ hai, có thiết kế được thể chế thị trường thích hợp để khuyến khích các bên tham gia mua bán nợ hay không, bởi thị trường nợ không chỉ có độc quyền bên mua hay độc quyền bên bán, mà để thị trường tự do cạnh tranh hình thành thì phải có cả bên bán, bên mua.
Tôi cho rằng, việc thiết kế thể chế chưa thể sớm hoàn thành.
Khối lượng nợ xấu lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng hiện nay là rất lớn, nên việc xử lý không đơn giản. Chính vì vậy, có thể, thị trường nợ sẽ sôi động hơn nếu các cấp, các ngành vào cuộc tích cực thực hiện Nghị quyết.
Tuy nhiên, việc giải chấp ồ ạt bất động sản nợ xấu sẽ khó xảy ra. Hơn nữa, nếu ồ ạt bán ra, sẽ mất cân đối cung - cầu, thị trường bất động sản lao dốc, khiến cả nền kinh tế lao đao. Đây chắc chắn là điều không ngân hàng nào muốn. Ngay cả hiện tại, nhiều ngân hàng cũng chưa muốn bán ngay nợ xấu, mà muốn đợi giá lên mới bán.