Không thiếu các câu chuyện về sự chênh lệch khó tin giữa con số trong BCTC trước và sau kiểm toán tại Việt Nam

Không thiếu các câu chuyện về sự chênh lệch khó tin giữa con số trong BCTC trước và sau kiểm toán tại Việt Nam

Muôn vẻ “giải trình” báo cáo tài chính sau kiểm toán

(ĐTCK) Trước hàng loạt thông tin gây chấn động liên quan đến báo cáo tài chính (BCTC) của các DN như TTF, ATA, OGC,... nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm hơn tới ý kiến của kiểm toán viên trong kỳ soát xét bán niên vừa qua. 

Vẫn như mọi năm, rất nhiều trường hợp kết quả trước và sau kiểm toán có khác biệt lớn khiến nhà đầu tư ở trong tình cảnh “dở khóc dở cười”.

Gần đây nhất, CTCP Đầu tư và phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất bán niên 2016 sau kiểm toán chỉ còn chưa tới 300 triệu đồng, trong khi kết quả theo BCTC tự lập là gần 17 tỷ đồng.

Nguyên nhân do PPI đã hoàn thành một số khối lượng thi công, được đại diện nhà đầu tư xác nhận, nhưng hồ sơ chưa được nghiệm thu chính thức, nên đơn vị kiểm toán đề nghị chưa ghi nhận trong kỳ. Do dự án có tỷ suất lợi nhuận cao nên việc giảm doanh thu đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty trong 6 tháng đầu năm so với trước kiểm toán.

Với giải trình này, nhà đầu tư có thể “tạm chấp nhận” vì vẫn còn kỳ vọng nguồn thu trên là có thực và sẽ được ghi nhận quý sau. Hết hy vọng là trường hợp của CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (NHN). Sau khi báo lãi hơn 7 tỷ đồng, Công ty bất ngờ từ lãi thành lỗ khủng gần 99 tỷ đồng sau kiểm toán.

Cụ thể, theo BCTC soát xét bán niên, mặc dù doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2016 trước và sau kiểm toán gần như không có sự thay đổi, giá vốn hàng bán sau kiểm toán chỉ tăng nhẹ 4%, nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đã chuyển từ lãi 71,8 tỷ đồng sang lỗ 98,8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lợi ích cổ đông không kiểm soát chuyển từ lỗ 64,8 tỷ đồng sang lãi 108,8 tỷ đồng.

Một trường hợp từ lãi thành lỗ khác là CTCP In và Bao bì Mỹ Châu (MCP) đã công bố BCTC soát xét bán niên 2016 với lãi ròng giảm gần 78% so với trước kiểm toán, trong khi doanh thu thuần và lợi nhuận gộp giữ nguyên. Nguyên nhân do khoản chi phí khác được điều chỉnh lên 12 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với trước kiểm toán, khiến MCP ghi nhận lỗ khác 14 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Dung dịch Khoan và Hoá phẩm Dầu khí (PVC) cũng đội lỗ thêm 55% sau soát xét, ghi nhận lỗ ròng 6,2 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ giảm 1,2 tỷ đồng, cùng với việc bổ sung chi phí và chi phí thuế thu nhập hoãn lại tại Công ty TNHH Dung dịch khoan M-I Việt Nam khiến lợi nhuận sau thuế giảm thêm 983 triệu đồng.

Con số lỗ nặng hơn và âm cả vốn chủ sở hữu là trường hợp của CTCK Ngân hàng Agribank – Agriseco với số lỗ hơn 424 tỷ đồng, gấp đôi so với con số trên BCTC tự lập. Nguyên nhân do chi phí hoạt động sau soát xét của Agriseco tăng từ 164 tỷ đồng lên 428 tỷ đồng, trong khi doanh thu hoạt động không thay đổi.

Với các trường hợp như trên, nhà đầu tư nhỏ lẻ, đại chúng chỉ biết ấm ức chấp nhận kết quả của kiểm toán, bởi nguyên nhân gây lỗ chủ yếu xuất phát từ các khoản mục chi phí (đã chi), các khoản đầu tư tài chính không hiệu quả và các khoản nợ khó đòi gia tăng, trong khi doanh thu gần như dậm chân tại chỗ hoặc tăng trưởng ít hơn so với chi phí. Theo đó, tình trạng này khó mà khắc phục được ngay trong các quý liền kề, trừ khi DN đã có khoản doanh thu ghi nhận vào quý sau, lợi nhuận từ bán tài sản, hay bỗng dưng có lời từ khoản đầu tư nào đó.

Một công ty trong lĩnh vực khoáng sản, CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB) cũng bốc hơi 57% lãi ròng sau soát xét, với con số 1,3 tỷ đồng lãi sau thuế chỉ còn vỏn vẹn 557 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu do điều chỉnh chi phí tài chính (dự phòng đầu tư dài hạn, chi phí lãi vay…).

Ngoài ra, kết luận ngoại trừ của công ty kiểm toán cho thấy, không thu thập được thông tin chính xác về các hợp đồng kinh doanh giữa KHB với CTCP Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Gia Lai; CTCP Doanh nghiệp trẻ Hà Tĩnh nên không điều chỉnh phần này trên BCTC của Công ty; đồng thời cũng không điều chỉnh số liệu tại Công ty TNHH Sản xuất Công nghiệp Đại Việt do không có thông tin chính xác về BCTC kiểm toán năm 2015. Do vậy, công ty kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này trên BCTC của Công ty hay không. Đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, KHB cấp cho ông Lê Hữu Lộc - Giám đốc Công ty khoản vay mà chưa có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông là phạm pháp.

Theo giải trình từ phía KHB, tại thời điểm KHB lập BCTC bán niên, CTCP Khoáng sản và vật liệu xây dựng Gia Lai và CTCP Doanh nghiệp trẻ Hà Tĩnh chưa ra BCTC bán niên. Công ty nhận định rằng, đây là các đối tác uy tín nên các khoản đầu tư sẽ đem lại hiệu quả cao. Còn về khoản vay của ông Nguyễn Hữu Lộc, hiện KHB đang thu hồi khoản vay.

Tại CTCK VSM (VSM), kiểm toán cũng lưu ý nhiều vấn đề liên quan đến khoản tạm ứng phải thu và không trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu chưa niêm yết.

Cụ thể, tại ngày 30/6/2016, số dư khoản tạm ứng phải thu bà Phạm Thị Hằng - nhân viên phòng tư vấn, cổ đông góp vốn là 10,5 tỷ đồng. Đây là khoản tiền được tạm ứng cho bà Hằng để thực hiện việc mua 3 triệu cổ phần của CTCP Ô tô Đông Hà theo ủy quyền của HĐQT Công ty. Tuy nhiên, tới ngày phát hành báo cáo này, các thủ tục để mua cổ phiếu này vẫn chưa hoàn thành. Đồng thời, tại ngày 30/06/2016, VSM không thực hiện việc trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu và cổ phiếu chưa niêm yết với tổng giá trị đầu tư là 110 tỷ đồng do không có cơ sở xác định giá thị trường của các chứng khoán này (thực hiện theo nội dung Thông tư 146/2014/TT-BTC).

Theo giải trình, để việc đầu tư được chủ động, HĐQT thực hiện ủy quyền và giao cho bà Hằng thực hiện đàm phán với các đối tác về việc mua cổ phần của các đơn vị trên trong khoảng giá mà HĐQT phê duyệt. Sau khi bà Hằng đàm phán thành công và hai bên ký biên bản ghi nhớ về việc đầu tư, Công ty sẽ thực hiện cơ cấu các khoản mục đầu tư để đầu tư vào các doanh nghiệp nói trên theo đúng tỷ lệ và tuân thủ các quy định hiện hành về đầu tư của công ty chứng khoán.

Có thể thấy, các sai lệch BCTC tự lập và sau soát xét của doanh nghiệp thường xuất phát từ những thông số không quá phức tạp, những sai sót sơ đẳng. Vậy tại sao lại có sự vênh nhau quá lớn giữa hai con số? Ở đây không chỉ là câu chuyện về chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm của kế toán lẫn kiểm toán, mà cần nhắc tới sự minh bạch của chính DN. Trong khi đó, yếu tố này hiện đang mang nặng “cảm tính”, bởi nó xuất phát từ chính các lãnh đạo cấp cao, ban điều hành DN.

Trong khi ý thức minh bạch của DN còn yếu và thị trường thiếu hoàn chỉnh về pháp lý, nhà đầu tư không thể hoàn toàn trông chờ vào ý thức minh bạch của DN, mà cần phải tìm biện pháp để tự bảo vệ chính mình, thông qua việc nâng cao kiến thức, nâng cao hiểu biết để sớm phát hiện các vấn đề tại BCTC. Từ đó, đưa ra những chất vấn, yêu cầu quyền lợi chính đáng đối với lãnh đạo DN, giảm thiếu thiệt hại đối với khoản đầu tư của mình.                

Tin bài liên quan