Tại nhiều CTCK, tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, khi chứng khoán giảm giá về ngưỡng cảnh báo, hệ thống của công ty tự động gửi cảnh báo đến NĐT qua email và tin nhắn, trong đó nêu rõ tình trạng của tài khoản margin. Khi tài khoản rơi vào mức xử lý, hệ thống tiếp tục gửi email, tin nhắn, yêu cầu NĐT có phương án xử lý hoặc liên hệ với công ty để được tư vấn. Nếu NĐT không thực hiện bổ sung tài sản vào tài khoản để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ an toàn, hệ thống sẽ tự động đưa số chứng khoán được dùng làm tài sản bảo đảm vào diện bị bán giải chấp. Vào mỗi ngày giao dịch, số chứng khoán có tên trong “sổ đen” trên tự động được đẩy vào hệ thống và được bán ra một cách sớm nhất có thể.
Do hệ thống được thực hiện tự động nên nhân viên CTCK không thể can thiệp vào bất cứ công đoạn nào trong quá trình giao dịch của khách hàng, cũng không thể bán một phần chứng khoán dùng làm tài sản cầm cố. Hệ thống này ứng xử công bằng với tất cả các NĐT, không có chế độ khác nhau cho các NĐT khác nhau.
Tài khoản margin được tách riêng với tài khoản thông thường, nên có CTCK, khi ký hợp đồng margin với khách hàng, 2 bên thỏa thuận, trong trường hợp tài khoản thông thường dương (dư tiền mặt), tài khoản margin âm (giá chứng khoán giảm, dẫn đến không đảm bảo tỷ lệ ký quỹ an toàn), CTCK sẽ tự động chuyển tiền từ tài khoản dương để bù cho phần hụt ở tài khoản âm. Ngược lại, tài khoản margin dư tiền thì hệ thống tự động chuyển tiền dư sang tài khoản thông thường để giảm mức lãi vay mà NĐT phải trả.
Nếu NĐT không đồng ý với điều khoản trên, trước mỗi lần phải bổ sung tài sản đảm bảo (margin call), CTCK gửi thông báo đến khách hàng để họ chủ động xử lý. Nếu khách hàng không bù tiền hụt theo cảnh báo, CTCK sẽ tự động bán chứng khoán trong tài khoản margin. CTCK thường bán những cổ phiếu có thanh khoản cao, đủ để bù đắp phần thiếu hụt, chứ không bán hết. Để thực hiện được việc bán một phần danh mục tài sản của NĐT, CTCK có nhân viên quản lý đến tận từng tài khoản, can thiệp thủ công và do đó, có thể có sự trao đổi, thống nhất với NĐT trước khi bán giải chấp.
Trên thực tế, có không ít trường hợp, CTCK thực hiện lệnh bán giải chấp song lệnh không khớp, NĐT sau đó cũng không có tiền nộp thêm vào tài khoản hoặc không có tài sản (cổ phiếu khác) bổ sung vào tài khoản. CTCK sau đó đã phải gánh chịu rủi ro khi giá chứng khoán tiếp tục giảm và mất thanh khoản.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, liên quan đến margin call, UBCK không có một quy định chung, áp dụng cho tất cả các CTCK, mà chỉ đưa ra quy định khung theo Quyết định 637 về giao dịch ký quỹ. Dựa trên quy định này, các CTCK chủ động nghiên cứu và đưa ra mẫu hợp đồng ký quỹ với khách hàng. Việc bán giải chấp cũng do các CTCK chủ động thực hiện nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.
Chơi margin hay nói cách khác là sử dụng đòn bẩy tài chính như con dao hai lưỡi. NĐT phải cẩn trọng và bám thị trường sát sao, trong đó không thể không nắm vững cách thức CTCK thực hiện margin call.
Các CTCK thường quy định tỷ lệ ký quỹ ban đầu (tỷ lệ vốn tự có trên tổng giá trị lệnh đặt mua) là 50%; tỷ lệ ký quỹ duy trì là 40%; tỷ lệ ký quỹ xử lý là 30%. Nếu tỷ lệ ký quỹ hiện tại giảm dưới 40% thì NĐT cần bổ sung tài sản hoặc trả bớt vốn vay trong vòng 3 ngày. Nếu tỷ lệ ký quỹ giảm dưới 30% thì CTCK được toàn quyền bán một phần tài sản để thu hồi nợ và đảm bảo tỷ lệ ký quỹ an toàn. Ví dụ: NĐT có 50 triệu đồng, vay CTCK 50 triệu đồng, đặt lệnh mua chứng khoán trị giá 100 triệu đồng. Khi chứng khoán giảm giá 20%, tỷ lệ ký quỹ thực tế là 37,5% (30 triệu/80 triệu), NĐT phải bổ sung tiền hoặc chứng khoán để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ duy trì từ 40% trở lên. NĐT có thể thực hiện giao dịch/bổ sung tài sản bảo đảm tại sàn, qua điện thoại hoặc trực tuyến qua Internet. Trường hợp giá chứng khoán giảm 30%, tỷ lệ ký quỹ thực tế là 28,5% (20 triệu/70 triệu), CTCK có quyền bán một phần hoặc toàn bộ chứng khoán trong tài khoản margin của NĐT để thu hồi nợ. |