Nợ xấu của hệ thống ngân hàng tính đến ngày 31/12/2014 là 3,8%
Theo chỉ đạo, đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015. Riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Thống đốc có chỉ đạo phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015 để đến cuối năm đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản có được phân loại. Đồng thời, các ngân hàng phải rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động và tập trung mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ.
Mục tiêu mua nợ xấu của VAMC đưa ra cho năm qua đã đạt được, khi có gần 100.000 tỷ đồng nợ xấu các ngân hàng bán cho công ty này. Tuy nhiên, cửa đầu ra cho nợ xấu vẫn khá “hẹp”, khi tính đến cuối tháng 12/2014, VAMC mới xử lý được 4.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong khi đó, bán nợ cho VAMC, ngân hàng vẫn phải trích 20% dự phòng.
Điều đáng nói là, số nợ xấu mà VAMC đã xử lý chủ yếu thông qua xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ, song việc bán nợ của VAMC cũng khó được kỳ vọng đẩy nhanh, vì Việt Nam vẫn chưa có thị trường mua bán nợ.
Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu đưa nợ xấu xuống mức dưới 3% vào cuối năm nay là không dễ, bởi tỷ lệ nợ xấu hiện còn khá cao (theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tính đến ngày 31/12/2014 là 3,8%, song các số liệu khác thì con số này cao hơn), trong khi nợ xấu vẫn có dấu hiệu gia tăng và xử lý nợ còn khó khăn.
Một trong những vấn đề khiến nhiều người quan tâm hiện nay là dù đã có VAMC mua lại nợ xấu của các ngân hàng, nhưng với cơ chế hoạt động như hiện nay của VAMC, vấn đề nợ xấu sẽ khó giải quyết dứt điểm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, VAMC là một công cụ và sáng kiến tốt của NHNN trong việc làm “sạch” bản cân đối kế toán toán tạm thời cho các ngân hàng, khó có thể kỳ vọng xử lý triệt để nợ xấu, vì không có đầu ra. Từ thực tế đó, theo TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính - tiền tệ quốc gia, cần tạo lập các quyền hạn nhất định để VAMC có thể hoạt động được một cách hiệu quả, như khả năng giải quyết tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu, đồng thời xây dựng thị trường mua bán nợ.
Các khoản nợ xấu cần có một khuôn khổ pháp luật để ngân hàng thương mại khi gặp phải nợ xấu có quyền được định giá thông qua các cơ quan nhà nước để phát mãi, thu hồi nợ, chứ không phải trải qua quá trình tố tụng mất thời gian.
Nhìn nhận vấn đề trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để có thể đạt được mục tiêu đưa nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm nay, cần tăng vốn điều lệ cho VAMC. Đồng thời, để thúc đẩy tiến độ xử lý nợ xấu, cần nghiên cứu, triển khai cơ chế mở đường cho VAMC bán nợ xấu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nguồn tiền thu được từ bán nợ xấu cũ sẽ giúp VAMC có thêm nguồn lực để mua các khoản nợ xấu mới.
Sau gần 3 năm thực hiện đề án xử lý nợ xấu, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp để xử lý nợ xấu, như đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; bán nợ cho các tổ chức, cá nhân; xử lý bằng dự phòng rủi ro... Để đạt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu ở mức 3% tổng dư nợ cho vay của hệ thống tín dụng, lãnh đạo NHNN cho biết, thời gian tới, NHNN tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Trước hết, NHNN tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là quy định về mua bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ. Hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của VAMC. Phát triển mạnh thị trường mua bán nợ, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia mua bán nợ xấu. Cùng với đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng công khai, minh bạch nợ xấu và kết quả xử lý, thực hiện các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng.
Ngoài ra, NHNN sẽ tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề liên quan và hỗ trợ tổ chức tín dụng, VAMC trong xử lý nợ xấu, nhất là hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm.