Ông Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Chính phủ Việt Nam ban hành đã phân công rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) từ Trung ương đến địa phương bao gồm: Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
“Quan điểm phát triển bền vững của Việt Nam được lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, được cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia”, ông Đình nhấn mạnh.
Các mục tiêu tổng quát bao gồm: duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đảm bảo mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng một xã hội hòa bình và thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng văn minh và bền vững.
Toàn cảnh hội thảo
Để các mục tiêu phát triển bền vững đạt hiệu quả, Việt Nam cũng đã đặt ra các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2017-2020. Đó là, hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển bền vững quốc gia.
Theo đó, muộn nhất trong năm 2018 hoàn thành việc xây dựng kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, các chiến lược, các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan.
Đồng thời phát triển nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực, chú trọng đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, hoạch định chính sách. Đồng thời, giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khó khăn về nguồn lực tài chính. Mức độ kết nối giữa các ngành, lĩnh vực, cũng như năng lực thống kê phục vụ giám sát theo dõi thực hiện phát triển bền vững còn hạn chế.
Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển.
Đại diện cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thanh Hoa, đại diện Tập đoàn Bảo Việt cho biết, lần đầu tiên Bảo Việt triển khai dịch vụ đảm bảo cho báo cáo phát triển bền vững. Các chỉ tiêu được lựa chọn đảm bảo nằm trong các lĩnh vực trọng yếu Tập đoàn Bảo Việt ưu tiên thực hiện trong năm 2018.
“Việc thực hiện đảm bảo đối với báo cáo phát triển bền vững thể hiện việc minh bạch hóa thông tin, bao gồm các thông tin tài chính và phi tài chính của doanh nghiệp. Từ đó, gia tăng độ chính xác, tính khách quan cho các thông tin và số liệu mà báo cáo thể hiện.”, bà Hoa khẳng định.