Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị của Ngân hàng Nhà nước sáng 26/8, các ngân hàng thương mại không còn nêu kiến nghị nới room tín dụng. Được biết, trong phiên họp kín diễn ra ngày 24/8 trước đó, nội dung này đã được Ngân hàng Nhà nước quán triệt tới các ngân hàng thương mại.
Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư, nhiều ngân hàng thương mại cho biết đã cạn sạch room tăng trưởng tín dụng và phải trì hoãn giải ngân suốt nhiều tuần nay.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Trước đó, tính đến 30/6/2022, tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước công bố đã lên tới 9,35%. Như vậy, tín dụng đã tăng chậm lại đáng kể trong tháng 7 và tháng 8 do Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phân giao thêm hạn mức tăng trưởng mới. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã phải bán bớt TPDN để có thêm dư địa tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù các ngân hàng thương mại không lên tiếng, song hát biểu tại cuộc họp sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, muộn nhất là đầu tuần sau Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Nếu chờ đợi đến quý IV/2022 mới nới room là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. Theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý đến vấn đề này và nên xem xét trong tháng tới, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp - cực kỳ nguy hiểm - và nợ xấu ngân hàng tăng lên.
TS Lực lưu ý thêm rằng, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.
Riêng về giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% còn chậm. Theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ.
Nguyên nhân chủ yếu là vẫn còn tâm lý e ngại của các NHTM khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất (gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.
Chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước nên các NHTM cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả, nên các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.
Một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
NHNN cho biết sau Hội nghị hôm nay sẽ tiếp tục chỉ đạo các NHTM tích cực triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả; Đẩy mạnh truyền thông giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về chính sách và nâng cao khả năng tiếp cận Chương trình hỗ trợ này.
NHNN cũng chỉ đạo chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tổ chức hội nghị kết nối chuyên đề về hỗ trợ lãi suất giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại các địa bàn. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc đối tượng hưởng gói hỗ trợ lãi suất này cũng tham gia. Doanh nghiệp nào tiếp cận được hoặc không tiếp cận phải có lý do rất rõ ràng, các tổ chức tín dụng cũng phải giải thích rất rõ ràng. Nếu còn băn khoăn, thắc mắc thì tổng hợp để cùng tháo gỡ để minh bạch, công khai.