Muôn nẻo vượt bão

Muôn nẻo vượt bão

Suy thoái kinh tế như một cơn bão dữ quét qua, không loại trừ bất cứ doanh nghiệp nào. Thế nhưng, vẫn có những doanh nghiệp vượt bão thành công bằng những chiến lược kinh doanh, sản xuất nhạy bén, cách quản trị linh hoạt.

Kymdan: chất lượng vượt trội

Dù phải đối mặt với khó khăn chung của nền kinh tế, sức mua giảm sút, thị trường cạnh tranh gay gắt khi có hơn 20 nhãn hiệu nệm cao su (chưa kể một số nhãn hiệu nệm cao su nhập khẩu và hàng ngàn nhãn hiệu nệm khác) góp mặt trên thị trường, nhưng năm 2013, Kymdan vẫn đạt kế hoạch tăng trưởng ổn định. “Chất lượng vượt trội, dịch vụ chu đáo, tận tình chính là bí quyết thành công của Kymdan”, ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch HĐQT  Công ty cổ phần Cao su Sài Gòn - Kymdan chia sẻ.

Thông thường, để tăng sức mua vào thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp áp dụng chiến lược giảm chất lượng để hạ giá thành. Tuy nhiên, nắm được tâm lý người tiêu dùng khi phải thắt chặt chi tiêu là chọn mua những sản phẩm có giá vừa phải, nhưng chất lượng, độ bền cao, Kymdan đã đưa ra chiến lược đầu tư mạnh hơn cho nghiên cứu để giúp tăng tuổi thọ của nệm từ 25 năm lên 30 năm, nhưng giá bán không tăng.

Với chiến lược đó, Kymdan không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng ở mọi phân khúc, mà còn gia tăng sự tin cậy, cảm tình của người tiêu dùng đối với sản phẩm, giữ được lượng khách hàng ổn định trong năm 2012-2013.

Không ít người thắc mắc rằng, với độ bền kéo dài tới 30 năm, dường như Kymdan đang tự làm khó mình, vì sẽ không bán được nhiều hàng. Tuy nhiên, vị Chủ tịch HĐQT Kymdan lại cho rằng, với thị trường nội địa có dân số 90 triệu người và mức tăng dân số gần một triệu  người mỗi năm, quy mô thị trường đối với sản phẩm nệm Kymdan ngày càng mở rộng, thì với tuổi thọ nệm bình quân 25-30 năm, thị trường nội địa vẫn còn rất lớn cho Kymdan. “Vì vậy, Kymdan chưa lo đến thời điểm bão hòa”, ông Trí nói chắc nịch.

Ngoài ra, theo ông Trí, đa phần nguyên liệu sản xuất nệm Kimđan là từ nội địa, với nguồn cung khá ổn định và không tốn ngoại tệ nhập khẩu. Hơn nữa, sau khi chế biến, gia công, nệm thành phẩm có giá trị xuất khẩu rất cao (gấp 3,5 đến 4 lần giá nệm Kymdan tại Việt Nam). Đây chính là các yếu tố giúp Công ty ổn định nguồn cung nệm cho thị trường trong nước và mở rộng tiêu thụ ra thị trường thế giới.

“Kỳ vọng của Kymdan là chinh phục thị trường thế giới, chứ không chỉ giới hạn ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới vẫn còn suy thoái, chiến lược của Kymdan vẫn tập trung vào thị trường nội địa để làm nền móng cho sự phát triển ra thị trường nước ngoài trong tương lai. Kymdan đã đăng ký bảo hộ thương hiệu trên 94 quốc gia và vùng lãnh thổ để chuẩn bị cho chiến lược mở rộng thị trường nước ngoài khi kinh tế hồi phục”, ông Trí cho biết thêm. Ngoài chiến lược chất lượng, việc giữ khách hàng bằng dịch vụ và mang lại giá trị cộng thêm cho người mua hàng thông qua chương trình “Thay lời cảm ơn”, tăng chế độ bảo hành từ 6 năm lên 10 năm cũng là chiến lược xuyên suốt những năm qua, giúp Kymdan tạo được niềm tin nơi khách hàng.

Kymdan vẫn giữ được lượng khách hàng ổn định trong năm 2013

Nutifood: chuyên gia dinh dưỡng

Sau cái bắt tay không hiệu quả với Kinh Đô (lỗ lên tới 148 tỷ đồng) vào năm 2008, cộng với cơn bão khủng hoảng kinh tế kéo dài, thương hiệu Nutifood bị “mờ nhạt” trên thị trường. Năm 2012, dưới sự trở lại điều hành của bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc, Nutifood đã dần hồi phục, nhưng phải đến năm 2013, mới thật sự có “sức sống”.

Trước đó, tháng 6/2008, khi trở lại điều hành Nutifood, bà Lệ đã bắt tay vào tái cấu trúc các phòng ban, bộ phận theo thứ tự ưu tiên từ việc lớn đến nhỏ. Với chiến lược cải tổ quyết liệt và thẳng tay của người nữ thuyền trưởng này, năm 2009, Nutifood có lãi 51 tỷ đồng.

Với đà tăng trưởng đó, năm 2012 - 2013, thay vì cắt giảm chi phí để đối phó với khó khăn, Nutifood lại đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Ngân sách dành cho R&D của Nutifood trong 2 năm này tăng khoảng 200% so với năm 2011.

Bên cạnh đó, Nutifood áp dụng chiến lược phát triển bằng nguồn lực tự có, hạn chế tối đa việc vay vốn ngân hàng, yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu cho trả chậm trong 45 ngày. Chính điều này đã làm cho Nutifood giảm được gánh nặng về lãi suất, hạn chế chi phí tồn kho.

Song thương hiệu Nutifood thật sự nổi đình nổi đám khi  ông Trần Thanh Hải, chồng bà Lệ, ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT Nutifood vào đầu năm 2013. Thời điểm mới ngồi vào vị trí này, dù kinh tế chưa mấy sáng sủa, nhưng ông Hải đã rất mạnh tay với chiến lược hồi sinh thương hiệu Nutifood.

Theo phân tích của một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sữa, chiến lược hồi sinh Nutifood có hai điểm khôn ngoan. Một là, với slogan mới là “giải pháp dinh dưỡng của chuyên gia”, Nutifood tập trung chủ lực vào các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt, như các loại sữa đặc trị dành cho người bệnh ăn qua ống thông dạ dày, người bệnh tiểu đường, trẻ biếng ăn, người béo phì. Điều này giúp Nutifood tránh được áp lực cạnh tranh trên thị trường sữa vốn đang rất khốc liệt, đặc biệt là không phải đối đầu với các ông lớn trong ngành sữa.

Thứ hai, năm 2013, thương hiệu Nutifood nổi đình, nổi đám thông qua việc liên tiếp tài trợ cho đội bóng đá nữ, đội bóng của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG và tài trợ Giải bóng đá U19 Quốc tế 2014- Cup Nutifood. “20 tỷ đồng tài trợ cho Học viện là một khoản chi phí marketing rất mềm”, ông Hải nói và cho biết, với số tiền này, một doanh nghiệp chỉ “chạy” được 250 spot quảng cáo 30 giây trên truyền hình vào giờ vàng, còn thương hiệu Nutifood được xuất hiện trong tất cả hoạt động của Học viện từ năm 2013 đến 2017.

Theo chuyên viên tư vấn thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, cái được lớn hơn cả của Nutifood thông qua việc tài trợ này chính đã để lại trong lòng người hâm mộ và người tiêu dùng Việt Nam ấn tượng đẹp và một cảm tình sâu sắc về một thương hiệu nhân văn, trách nhiệm, khi tài trợ cho đội tuyển bóng nữ và đội bóng U19 - đại diện cho thế hệ bóng đá trẻ đầy triển vọng của Việt Nam.

“Có thể nói, giá trị thương hiệu của Nutifood đã được nâng tầm, không chỉ là một công ty cung cấp các sản phẩm sữa đơn thuần, mà còn là một chuyên gia dinh dưỡng trong các lĩnh vực đời sống, một thương hiệu gắn bó với cộng đồng”, ông Hoàng nói.

Nhà máy sản xuất sơn Kova 

Sơn Kova: đa dạng sản phẩm

Dù thị trường sơn Việt Nam năm 2013 diễn ra sự cạnh tranh khá khốc liệt, nhưng thị phần sơn Kova tại khu vực phía Nam vẫn tăng 20%, tại phía Bắc vẫn ổn định và tăng trưởng mạnh tại thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, tại thị trường khó tính nhất khu vực châu Á là Singapore, Kova đã ký được nhiều hợp đồng cung cấp sơn cho các căn hộ cao cấp tiêu chuẩn 5 sao.

“Thành quả này có được là do chiến lược xuyên suốt của Kova trong những năm kinh tế khó khăn là chuyên tâm vào chất lượng, chọn phân khúc sơn cao cấp và liên tục đa dạng sản phẩm, nghiên cứu ra những dòng sản phẩm sơn khác biệt như sơn nhũ, sơn để quét sân teninis, sơn phủ sàn cho nhà xưởng, sơn giao thông…”, PGS-TS. Nguyễn Thị Hoè, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn sơn Kova cho biết.

Bà Hòe tiết lộ, mỗi năm, Kova bỏ ra nhiều tỷ đồng để đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới. Đặc biệt, sơn giao thông gốc nước của Kova dùng để sơn các con lươn trên các trục đường có tính ưu việt hơn các sơn gốc dầu do độ bền lên tới 5 năm và có thể thi công trong điều kiện bê tông đang ẩm ướt. Trong năm 2013, Kova đã cung cấp sơn đường băng cho nhiều công trình lớn, hệ thống sân bay tại Việt Nam như Tân Sơn Nhất, Huế, Phú Quốc…

“Mặc dù là loại sơn cao cấp, nhưng giá thành của sơn Kova lại rất cạnh tranh, do chúng tôi không tốn chi phí cho quảng cáo. Song đây cũng là điểm yếu của Kova vì có nhiều sản phẩm tốt, nhưng do làm thị trường kém, nên chưa đưa được ra thị trường, như sơn chống nóng đạt độ chênh lệch từ 6 - 8 độ”, bà Hòe chia sẻ.

Nhờ chiến lược tập trung đa dạng sản phẩm và chất lượng, nên năm 2013, Kova đã đưa được sản phẩm vào nhiều dự án lớn. Đặc biệt, Tập đoàn đã trúng thầu dự án cung cấp sơn cho 7 chung cư cao cấp 5 sao tại Singapore. Các khách hàng này rất tín nhiệm sơn Kova, vì những khu chung cư mà họ sử dụng sơn Kova sau 5 năm vẫn còn rất mới.

“Thị trường Singapore cực kỳ khó tính, nhưng tôi quyết tâm làm, bởi đây là hướng đi ổn định nhất vào thời điểm khó khăn và cả tương lai. Tại Singapore, Chính phủ quy định, mọi công trình xây dựng cứ 5 năm phải sơn lại một lần, nếu không sẽ bị phạt. Do đó, thị trường này dù nhỏ nhưng giá trị lại cao. Hơn nữa, nếu đã thành công tại thị trường này, con dấu chứng nhận nhãn hiệu của Singapore đủ để Kova đi khắp mọi nơi”, bà Hòe kể.

Để đưa được sản phẩm tiếp cận thị trường Singapore, bà Hòe đã chi hàng tỷ đồng để kiểm nghiệm và được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn theo quy định của Singapore. Sau đó, bà bắt đầu chứng minh với Chính phủ Singapore chất lượng sơn Kova bằng số liệu thực tế. “Tôi tìm đến các buổi đấu thầu công trình, cam kết làm không lấy tiền ngay, sau hai năm nếu sơn còn tốt thì mới nhận thanh toán. Và sau 5 năm, sơn Kova ở các công trình sân bay, trung tâm thương mại, trường quốc tế… tại Singapore vẫn không bong tróc, còn mới, nên các kiến trúc sư của Singapore đã chủ động đưa sơn Kova vào thiết kế”, bà Hòe nhớ lại.

Chi phí ở Singapore rất cao, lương cho một kỹ sư bên Singapore khoảng 60 triệu đồng/tháng, còn lao động thông thường cũng 40 triệu đồng/tháng, gấp 10 lần lương công nhân ở Việt Nam. Đó cũng là một khó khăn khi Kova bắt đầu thâm nhập thị trường này.

Cũng nhờ chiến lược chất lượng, đa dạng sản phẩm, nên vào mùa thấp điểm, khi tiêu thụ các sản phẩm sơn thông dụng chựng lại, Kova lại đạt doanh thu cao nhờ bán các loại sơn chống thấm, sơn đặc biệt như giao thông, chống cháy...

Theo bà Hòe, năm 2014, Kova sẽ xây nhà máy sản xuất sản phẩm sơn Nano Epoxy từ vỏ trấu để xuất khẩu. Lợi thế lớn nhất của Kova là các hãng chưa có sản phẩm này. Mới đây, một đối tác Mỹ đã đề nghị Kova chuyển giao công nghệ hoặc hợp tác kinh doanh sản phẩm này, nhưng bà Hòe không đồng ý, vì bà muốn tự xây dựng thương hiệu sơn cho Việt Nam.

Tin bài liên quan