Muôn nẻo tìm nhà ngày giáp Tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Càng gần Tết, những người chưa có nhà ở càng sốt ruột với giấc mơ an cư của mình…
Giá nhà không ngừng đi lên. Ảnh: Dũng Minh

Giá nhà không ngừng đi lên. Ảnh: Dũng Minh

Đuổi theo giấc mơ an cư

Dành cả nửa năm ngó nghiêng khắp các dự án, nhưng kể cả khi những tờ lịch cuối cùng được xé bỏ, chị Thoa vẫn chưa thể mua được nhà.

Chị kể, ban đầu, “bài toán” của gia đình chị là một căn hộ 2 phòng ngủ diện tích khoảng 60-65 m2 tại khu vực Nam Từ Liêm, nhưng với tầm tài chính khoảng 1,5 tỷ đồng hiện tại thì cơ bản “phương trình vô nghiệm”.

“Các dự án đang mở bán đều có mức giá cao, loanh quanh khoảng 50 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn, nên số tiền tích lũy của gia đình tôi lúc này mới chỉ bằng nửa giá trị căn nhà”, chị Thoa cho hay.

Tìm nhà nội thành không được, chị Thoa thậm chí đã tính hướng đi xa, sang tận mạn Đông Anh, nhưng ngặt nỗi, khi tìm được dự án khá ưng ý ở gần cầu Đông Trù thì trải nghiệm đi hơn 20 km lại khiến chị thối chí.

“Vợ chồng, con cái đều đi làm, đi học hết ở quanh khu Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), giờ sang tận Đông Anh thì đảo lộn hết, mà nếu có mua được nhà thì đi lại hơn 40km mỗi ngày cũng rạc cả người”, chị Thoa ngao ngán nói.

Cũng chia sẻ với người viết, chị Nhài - một người đang ở nhà thuê cho hay, cứ dần về cuối năm là áp lực mua nhà thêm nặng nề. Thu nhập bị giảm sút, trong khi các khoản chi tiêu cơ bản giữ nguyên và đặc biệt, giá nhà tăng quá nhanh khiến mỗi năm trôi qua, giấc mơ có cho mình ngôi nhà riêng lại càng xa vời.

“Có dự án sau khoảng 2 năm đã tăng đến 10 giá. Ngày ấy, gần đủ tiền, nhưng vì dịch, chẳng biết tương lai thế nào nên không dám quyết. Lại thêm người ta bảo bất động sản sắp xuống đáy, giá nhà sẽ giảm mạnh. Thế mà giờ ngược lại, mấy dự án khu vực quận Bắc và Nam Từ Liêm giờ mở bán toàn 50-60 triệu đồng/m2, thậm chí vài tháng chủ đầu tư lại điều chỉnh tăng giá một lần, không biết bao giờ mới có được căn nhà ở Hà Nội”, chị Nhài buồn bã nói.

Có thể thấy, điểm chung của những người như chị Nhài, chị Thoa là tài chính không đủ, mức tăng thu nhập không nhanh bằng tăng giá nhà, cùng với đó là thói quen an cư, công việc và học hành của các thành viên trong gia đình đã gắn chặt với một khu vực cụ thể, trong khi khu vực đó không có dự án mới, nếu có thì lại giá ngoài tầm với. Đến hiện tại, cả chị Nhài và chị Thoa cho hay đều chưa tính được cho mình phương án tối ưu nào ngoài “tạm thời chờ và chờ…”.

Người dân ngày càng khó tiếp cận nhà ở. Ảnh: Dũng Minh

Người dân ngày càng khó tiếp cận nhà ở. Ảnh: Dũng Minh

“Ác mộng” giá nhà tăng chưa chấm dứt

Giá nhà tăng liên tục không còn là điều lạ, có điều nó chỉ khác những đồn đoán trước đó mà thôi. Giai đoạn dịch bệnh, thị trường đồn rằng giá bất động sản sẽ giảm, nhưng thực tế lại vận động theo cách khác, nhiều nơi đất thậm chí còn sốt nóng. Hết dịch, suy thoái kinh tế diễn ra, nhiều người chờ “bắt đáy” bất động sản. Điều này đúng một phần, nhưng là với các khách hàng dùng nhiều đòn bẩy nợ vay hay doanh nghiệp ôm đồm quá nhiều dự án phải tái cấu trúc, chứ riêng giá nhà ở thực vẫn một mình một đường: Chỉ tăng mà không giảm.

Dữ liệu thị trường từ Savills Việt Nam cho hay, hiện tại, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình đạt 54 triệu đồng/m2, tăng 2% theo quý và 13% theo năm. Mức giá này đã tăng trong 19 quý liên tiếp và cao hơn 77% so với quý I/2019.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, giai đoạn quý IV/2023, người mua rất khó tiếp cận sản phẩm nhà ở với mức giá hợp lý trực tiếp từ chủ đầu tư do nguồn cung hạn chế và mức giá đã neo cao. Theo bà Hằng, nếu mua để ở thì khách hàng có thể lựa chọn trên thị trường thứ cấp bởi sản phẩm đa dạng và có mức giá mềm hơn.

“Quý IV hàng năm thường là thời điểm dòng tiền hướng về bất động sản, nhưng năm nay sẽ không nhiều chủ đầu tư mạnh dạn ra hàng vì bối cảnh thiếu thuận lợi. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án đã triển khai từ trước đó (khoảng 88% với thị trường căn hộ), chứ không nhiều dự án mở bán mới”, bà Hằng nói.

Còn đại diện một sàn phân phối cho hay, các thông tin rò rỉ về việc các dự án mới có thể ra hàng trong năm 2024 và 2025 đều cho thấy mức giá sẽ tăng mạnh và xác lập mặt bằng mới. Một số dự án ở khu Tây Hà Nội có mức giá dự kiến từ 70-80 triệu đồng/m2. Điều này đã tác động mạnh đến tâm lý người mua nhà, càng chờ càng sốt ruột vì giá không ngừng tăng và lúc này, việc xác định nhu cầu trên thị trường cũng không còn dễ dàng.

“Nhu cầu thị trường như cái bình thông nhau, hiện tại không có sản phẩm mới khiến sức cầu giảm mạnh, chẳng hạn trên thị trường thứ cấp, người đang có nhà sẽ chỉ bán khi có nhu cầu đổi sản phẩm (nâng cấp, chuyển sang phân khúc khác phù hợp hơn…). Vấn đề nằm ở chỗ, người ta có muốn bán nhà thì cũng phải tìm được nhà mới thay thế, nhưng nguồn cung mới hầu như không có nên đã bịt ngay nhu cầu của nhóm khách hàng này”, vị đại diện trên nói và cho biết thêm, hiện tại, ngoại trừ những người tài chính rất dư dả mới tính chuyện chuyển nhà, còn bối cảnh thực tế, không ít người “say mê” với niềm vui này, giai đoạn khó khăn khiến họ đề cao sự ổn định.

Liên quan tới giá căn hộ, báo cáo của Cushman & Wakefield cho biết, giá sơ cấp trung bình trong quý III/2023 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018, đạt 2.141 USD/m2 (tương đương khoảng 52 triệu đồng/m2). Năm 2023 dự kiến có tổng cộng 8.000 căn hộ được chào bán ra thị trường - thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Cũng theo Cushman & Wakefield, do quỹ đất phát triển dự án tại các quận nội thành Hà Nội ngày một khan hiếm nên nguồn cung căn hộ có xu hướng mở rộng ra các khu vực xa hơn, chẳng hạn khu vực phía Đông là điểm đến của các khu đô thị tích hợp quy mô lớn, cung cấp các tiện ích “tất cả trong một” và có vị trí thuận lợi khi tiếp giáp các dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 3, Vành đai 4...

Ở góc độ khác, ông Đỗ Ngọc Thắng, Giám đốc Kinh doanh vùng OneHousing cho hay, theo thông lệ hàng năm thì giai đoạn cận Tết Nguyên đán là thời điểm giao dịch bất động sản thổ cư diễn ra sôi động nhất. Tuy nhiên, cuối năm nay, có lẽ sẽ xuất hiện nhiều thông tin rao bán kiểu “Vỡ nợ cần bán nhà”, “Bán gấp, giá sốc cuối năm”… và rất có thể đó là những thông tin đánh vào lòng tham nhằm trục lợi. Do đó, người có nhu cầu mua nhà cần cảnh giác với những thông tin kiểu này bởi “cái gì cũng có giá của nó”.

“Với người mua, nếu gặp chủ nhà thiện chí, sản phẩm phù hợp tiêu chí, điều kiện pháp lý chuẩn chỉnh và có sẵn tài chính thì nên chốt ngay để có thể kê cao gối ngủ, không phải lo lắng nay đi xem nhà, mai đi xem nhà, tập trung thời gian đó vào việc kinh doanh và hưởng thụ một cái Tết an vui, đầm ấm, bởi nhà thổ cư nội đô chưa bao giờ giảm giá”, ông Thắng nói.

Tin bài liên quan