Đối với họ, cuộc sống sẽ có nhiều niềm vui hơn khi đắm mình vào một sở thích nào đó.
Có tiền, nhiều doanh nhân thích sưu tập siêu xe, đồng hồ hàng hiệu, bút cao cấp… tuy nhiên, đối với tổng giám đốc một tập đoàn lớn hiện đang niêm yết trên HOSE, ông bị hút hồn bởi vẻ đẹp muôn màu của đá.
Bộ sưu tập của ông có tên “Vườn Đá”, được đặt trong khuôn viên căn biệt thự có diện tích hơn 1.000 m2. Mỗi phiến đá tưởng như vô tri, vô giác tại đây đều có sinh khí riêng, với hình dáng rất lạ mắt, được chủ nhân của chúng đặt cho những cái tên rất gần gũi và đáng yêu. Chất liệu của đá gồm đủ thể loại, như ngọc bích, mã não… Kích thước cũng rất đa dạng, có những tảng lên đến vài trăm kg, có viên đá lại rất bé nhỏ.
Làm lãnh đạo một doanh nghiệp lớn, vị doanh nhân này có cơ hội đi đây đó khắp nơi. Trong những chuyến công tác xa, nghe nói ở đâu có đá đẹp, ông lại tìm đến, thăm thú, ngắm nghía và mua về. Hiện tại, công nghệ thông tin đã len lỏi vào cộng đồng những người có thói quen sưu tầm vật lạ.
Ông cho biết, lên mạng, tham gia cộng đồng những người thích chơi đá, mọi người đều được chia sẻ thông tin, thích món đồ nào đó có thể đặt mua, được chuyển đến tận nơi. Xuất xứ của những tảng đá đặt trong khu vườn do đó cũng phong phú chẳng kém hình dáng của chúng, từ những vùng đá nổi tiếng của Việt Nam như Yên Bái, Thanh Hóa… đến những nơi xa xôi như Myanmar, Lào, Thái Lan…
Sau một tuần làm việc căng thẳng, cùng cả gia đình trở về căn biệt thự ngoại ô, có vườn cây, sông nước bao quanh, ngồi tĩnh lặng bên ấm trà, ngắm Vườn Đá, chẳng phải người mê đá, cũng thấy cuộc đời thật đẹp và thư thái.
Một doanh nhân khá nổi tiếng trong giới chơi chim cảnh Sài thành hiện là tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn, có vốn đầu tư nước ngoài. Là Việt kiều có quốc tịch Úc, đã từng sống nhiều năm tại Indonesia nhưng vị CEO này cho rằng, cuộc sống tại Việt Nam thú vị nhất.
Căn nhà của gia đình ông tại Sài Gòn dành một diện tích khá lớn cho các lồng chim. Bộ sưu tập của ông hiện đã lên tới vài chục chú, trong đó có những con chim quý, giá hàng chục nghìn USD. Ngày thường bận rộn, ông phải mướn người có tay nghề chăm sóc cho chim. Chỉ đến cuối tuần có thời gian rảnh rỗi, ông mới dành thời gian cho thú cưng, mà ông âu yếm coi chúng như con trẻ.
Nuôi một con chim cảnh đạt đến trình độ nghệ thuật hót hay, múa đẹp, đá điêu luyện, chẳng khác nào nuôi một đứa con nhỏ từ khi biết nói bập bẹ đến lúc trưởng thành. Hình ảnh này đã nói lên sự công phu, khó nhọc của nghề chơi chim cảnh. Để chim có hình dáng và sắc lông đẹp, người chơi phải chăm chút thức ăn đúng cách, thực hiện chế độ tắm nắng, tắm nước nghiêm ngặt. Tương tự, để chim cảnh có giọng hót hay, khỏe, thức ăn cũng phải có những thành phần đặc biệt, cách chăm sóc cũng cầu kỳ, công phu không kém.
Thuê người chăm sóc chim nhưng tự tay vị CEO làm thức ăn cho chim. Phải trải qua hàng chục công đoạn mới chế ra được thức ăn bột thành phẩm. Thành phần thức ăn cũng rất cầu kỳ, từ bột gạo, bột đậu xanh, bột thịt, cá, khoáng chất…
Người mê chim còn không tiếc tiền của để sắm những chiếc lồng thật đẹp, thậm chí còn đặt riêng theo gu thẩm mỹ của mình. Bản thân vị doanh nhân này có những chiếc lồng giá vài chục triệu đồng, được đặt làm tinh tế, mà ông cho biết, khi “đặt hàng thiết kế” phải chú ý đến chiều cao và vòng rộng phải cân đối với chim, chỗ đặt máng thức ăn, hũ nước uống phải thẩm mỹ, rồi thì trăm kiểu dáng khác nhau, cách thức chạm trổ cầu kỳ…
Với những người có cùng niềm say mê nuôi chim cảnh, việc thường xuyên liên hệ, trao đổi kinh nghiệm, chăm sóc, huấn luyện chim khiến họ trở nên gắn bó, thân thiết với nhau hơn. Vị doanh nhân kể rằng, nhiều chuyến công tác ra Hà Nội, ngoài công việc của doanh nghiệp, ông thường xuyên được anh em trong hội chơi chim đưa đón đi thăm thú nơi này, nơi khác. Công việc do đó cũng bớt căng thẳng và nhiều khi còn hiệu quả hơn.