Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Nam ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, cách đây 1 năm, anh mua bộ sofa nhập khẩu từ Malaysia với giá hơn 40 triệu đồng. Tuy nhiên, mới dùng thời gian ngắn, da đã có biểu hiện sờn, nổ. Tìm hiểu lại thị trường, anh mới thấy mình đã quá vội vã, nên đã mua phải hàng kém chất lượng.
Mang câu chuyện trên đến chia sẻ với một chuyên gia đồ nội thất, ghế sofa tên Cường ở Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), anh cho biết, thực ra, hàng sofa nhập hiện nay rất đa dạng và các đơn vị bán, phân phối thường không nói hàng nhập của Trung Quốc, hay những thị trường không tin cậy với người tiêu dùng.
“Thực tế, có đến 99% sản phẩm sofa nhập khẩu ở thị trường Việt Nam hiện nay đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, vì hầu hết các hãng lớn ở nước ngoài đều có nhà máy đặt ở Trung Quốc. Theo tìm hiểu của tôi, một số hãng bán sofa hiện nay có tên tuổi, họ cũng có một số sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác như Thái Lan, Ý, Malaysia…, nhưng chỉ nhập về làm thương hiệu, còn sản phẩm bán gần như 100% nhập từ Trung Quốc”, anh Cường tiết lộ.
Anh Cường cho biết thêm, anh có sang Quảng Châu (Trung Quốc) nhiều lần để khảo sát về thị trường nội thất nói chung và sofa nói riêng thì thấy, các mặt hàng mà các đơn vị trong nước quảng cáo là hàng của Ý, Malaysia hay các nước khác, đa số là được sản xuất ở Trung Quốc.
“Ví dụ như đơn vị phân phối C.Đ. chẳng hạn, họ quảng cáo là sản phẩm nhập chính hãng của Ý, nhập hàng từ Ý về, nhưng theo thông tin riêng của người trong ngành cho thấy rằng, mỗi tháng, đơn vị này nhập mấy cotainer hàng từ Trung Quốc. Đơn vị này đang thuê kho hơn 2.000 m2 ở Hà Nội để chứa hàng nhập này, nhưng không hiểu sao họ cứ quảng cáo là hàng nhập từ Ý”, anh Cường tiết lộ.
Tuy nhiên, hàng Trung Quốc cũng có nhiều dạng, với những đơn vị nhỏ lẻ, nhập theo đường tiểu ngạch thì chất lượng kém, còn những sản phẩm của các hãng lớn, nhưng sản xuất ở Trung Quốc thì vẫn theo tiêu chuẩn chung của hãng.
“Chẳng hạn như H.T., hàng được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tạm nhập vào Ý để lấy chứng từ CO (giấy chứng nhận xuất xứ), CQ (giấy xác nhận chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn của nhà sản xuất), sau đó xuất đi các nước khác”, anh Cường chia sẻ thêm.
Chia sẻ về kinh nghiệm nhận biết hàng thật, hàng nhái của sofa, ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng nội thất Nhà Xinh cho biết, đối với hàng nhập khẩu, người mua phải yêu cầu đơn vị bán hàng cung cấp chứng từ thuế hải quan, các chứng từ CO, CQ. Tuy nhiên, hàng nhập cũng có rất nhiều dòng, giá cả cũng khác nhau, người tiêu dùng phải có kinh nghiệm nhận biết để mua cho phù hợp.
Trước khi mua, người tiêu dùng nên khảo sát và so sánh vài ba đơn vị để cảm nhận về đường nét may, chất lượng da, độ bóng mịn, độ dày và nhiều họa tiết khác. Thượng đế có quyền yêu cầu nhà bán hàng cung cấp thông tin xuất xứ đầy đủ của sản phẩm cần mua.
“Hàng nhập hiện nay có rất nhiều dòng như từ Ý, Malaysia, Trung Quốc…, người tiêu dùng phải xem giá bán, nếu nhập Trung Quốc chỉ tương đương giá trong nước, nhưng chất lượng lại không bằng hàng nội địa. Vì khung họ làm bằng bạch đàn, chứ không phải gỗ sồi và da chỉ 50% da thật, 50% da giả”, ông Nghĩa cho biết.
Cũng theo ông Nghĩa, với hàng nội địa, những xưởng nhỏ lẻ, chỉ sản xuất dựa vào hình ảnh sản phẩm, nên quy cách, đường nét cũng chưa chuẩn. Với loại hàng sản xuất trong nước, nhưng nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài, thì khách hàng sẽ dễ dàng phân biệt với hàng nhập khẩu chính hãng, bởi hàng sản xuất trong nước có hình thức, mẫu mã, chất liệu da và đường nét may thô hơn so với hàng nhập ngoại.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com